Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ LỤC TỔ ĐÀN KINH trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ LỤC TỔ ĐÀN KINH theo từ điển Phật học như sau:
LỤC TỔ ĐÀN KINH
LỤC TỔ ĐÀN KINH
六祖壇 經
Gọi đủ : Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh.
Còn gọi : Pháp Bảo Đàn Kinh, Đàn Kinh.
Kinh, 1 quyển, do Lục tổ Huệ Năng thuyết giảng vào đời Đường, đệ tử là Pháp Hải gom chép, ngài Tông Bảo hiệu đính và ấn hành vào đời Nguyên, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chánh Tạng tập 48.
Bản kinh này ghi chép lại nội dung thuyết pháp của ngài Huệ Năng tại chùa Đại Phạm ở Thiều Châu, gồm có 10 phẩm :
1. Hành Do : Nói về tiểu sử, nguyên do đắc pháp của Lục Tổ.
2. Bát Nhã : Ngộ được tự tánh tức bát nhã liền có thể thấy tánh thành Phật.
3. Nghi vấn : Để đáp lại lời nghi ngờ chất vấn của quan Thứ Sử Vi Cừ, Tổ căn cứ vào lời vấn đáp của Tổ Đạt Ma và vua Lương Vũ Đế để giải thích về nghĩa Vô công đức , ngoài ra còn nói rõ về ý chí niệm Phật vãng sanh, Duy Tâm Tịnh Độ và dùng bài tụng Vô Tướng để chỉ dạy cách tu hành của người tại gia.
4. Định huệ : Tức pháp môn lấy định huệ làm gốc, trụ nơi Nhất hạnh Tam muội của định huệ bất nhị.
5. Tọa thiền : Đối với tất cả cảnh giới thiịen ác bên ngoài, tâm niệm không khởi gọi là “Tọa”, trong rõ được tự tánh không động gọi là “Thiền”.
6. Sám hối : Năm loại hương : Giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến tự huân bên trong, chẳng phải tìm cầu ở bên ngoài gọi là “Vô tướng sám hối”. Ngoài ra dạy rõ về ý chỉ về 4 thệ nguyện rộng lớn, vô lượng tam quy giới và cho rằng thấy được tự tánh là “chân sám hối”.
7. Cơ Duyên : Lục Tổ khai thị yếu chỉ Thiền tông cho Tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng, Tào Thúc Lương, Pháp Hải ở Thiều Châu, Pháp Đạt ở Hồng Châu, Trí Thông ở Thọ Châu, Trí Thường ở Tín Châu, Trí Đạo ở Quảng Châu, Hành Tư ở Thanh Nguyên, Hoài Nhượng ở Nam Nhạc, Huyền Giác ở Vĩnh Gia, Trí Hoàng ở Hà Bắc.
8. Đốn tiệm : Pháp chỉ một tông, vốn không có đốn, tiệm, nhưng vì người có lợi căn và độn căn khác nhau, cho nên lập chỉ thú đốn tiệm có khác. Phẩm này Tổ còn căn cứ vào kiến giải về giới định huệ của mình để phân biệt với lời dạy của ngày Thần Tú cho ngài Chí Thành được rõ. Ngoài ra, còn đề cập tới nhân duyên tiếp độ các ngài Chí Triệt ở Giang Tây, Thần Hội ở Hà Trạch.
9. Tuyên Chiếu : Nói về việc Lục Tổ từ chối chiếu chỉ nghinh thỉnh vào cung của vua Đường Trung Tông vào năm 705 và việc chỉ dạy thiền pháp cho Sứ giả của vua là ông Tiết Giản.
10. Phó Chúc : Đầu tiên nêu pháp môn 3 khoa, 36 số, kế đến chỉ dạy bài kệ Chân Giả động tịnh, cuối cùng nói về thứ lớp truyền thừa của chư Phật và 32 vị Tổ Ấn Hoa, đồng thời dặn dò tiếp nối lưu truyền đừng để cho gián đoạn.
Kinh này ban đầu do Thiền sư Pháp Hải vâng lệnh quan thứ sử Vi Cừ đất Thiều Châu gom chép thành, nhưng người sau giảng lược quá nhiều, nên không thấy được toàn bộ ý chỉ của Tổ. Năm 1290, đời Nguyên, ngài Đức Dị sưu tầm ở các nơi, tìm được bản đầy đủ và cho khắc in tại am Hưu Hưu ở Ngô Trung. Năm sau, ngài Tông Bảo so sánh 3 bản, sửa những chỗ sai lầm, bổ sung những chỗ sơ lược và thêm vào phẩm Cơ Duyên Đệ Tử Thỉnh Ích, rồi cho ấn hành. Dầu quyển có lời tựa của ngài Đức Dị, bài tán của ngài Khế Trung đời Tống; cuối quyển phụ thêm phần Lục Đại Sư Duyên Khởi Ngoại Kỳ của ngài Pháp Hải v.v… sưu tập, sự tích qua các triều đại, bài bi Tứ Thụy Đại Giám Thiền sư của ông Lưu Vũ Tích, bài minh Phật Y và lời Bạt của ngài Tông Bảo.
Nguyên nhân phát khởi sự tranh luận sôi nổi lâu dài trong giới học giả Phật giáo về tác giả của Đàn Kinh là bắt nguồng từ các bài viết : Hà Trạch Đại Sư Thần Hội Truyện, Đàn Kinh Khảo Chi Nhất, Bạt Tào Khê Đại Sư Biệt Truyện của Hồ Thích (viết Năm1930 ). Ông cho rằng tác giả
“ Đàn Kinh” không phải là Lục Tổ Huệ Năng, mà là ngài Thần Hội, đệ tử của Tổ. Thuyết này đã dẫn đến sự tranh luận giữa 2 phái Tiền Mục Và dương Hồng Phi. Nội dung luận điểm của Hồ Thích được tóm lược như sau :
1 . Đàn Kinh cổ bản đào được ở Đôn Hoàng xưa nhất hiện còn, tức là ngầm xác định ngài Thần Hội là người duy nhất được Lục Tổ truyền pháp. Như trong Lục Tổ Đàn Kinh ( Đại 48, 344 thượng ) : “Sau khi ta diệt độ hơn 20 năm, tà pháp nhiễu loạn, làm sai lệch tông chi của ta, lúc ấy có người xuất hiện, không tiếc thân mạng, phân sự đúng sai, dựng tập tông chỉ”.
Theo sự khảo chúng này thì khoảng 20 năm, sau khi Lục Tổ nhập diệt, chính là lúc ngài Thần Hội ở chùa Đại vân, Hoạt Đài triệu tập Đại hội Vô Già, phê phán thiền phương Bắc, cho nên có thuyết này.
Trong kinh còn ghi (Đai 48, 343 hạ ) : “Ngày 3 tháng 8 năm713, Lục Tổ diệt độ, trước đó vào ngày 8 tháng 7, Ngày gọi các đệ tử đến cáo biệt (… ) và nói rằng : Thần Hội tiểu tăng là người rất giỏi, khen chê không động, những người khác không ai sánh bằng”. Trong bản này không đề cập đến các ngài Hoài Nhượng, Hành Tư.
2. Trong bài minh khắc nơi bia của Thiền sư Đại Nghĩa ở chùa Hưng Phước, ông Vi Sử Hậu ghi rằng : “ Người ở huyện Lạc là Thần Hội, được ấn tổng trì, như ngọc minh châu sáng chói, vì người học mê mờ chơn tánh, như quít ngọt biến thành chanh chua, cho nên Ngài mới tạo ra Đàn Knh để truyền tông phái, thì sự hơn kém đã rõ ràng vậy.
Thế thì Đàn Kinh được soạn ra là vì học trò của ngài không tỏ ngộ tông chỉ , vậy sách này chắc chắn xuất phát từ hệ phái của ngài Thần Hội.
3. Đàn Kinh bản Đôn Hoàng và Ngữ Lục của ngài Thần Hội có nhiều điểm giống nhau như :
a. Hai bản đều chủ trương Định và Huệ cùng một thể .
b. Hai bản đều giải thích giống nhau về tọa thiền.
c. Bác bỏ về Thiền học luận đương thời, cả 2 bản đều phê phán thiền học khán tâm, khán tịnh là chủ trương của các Phổ Tịch, Hàng Ma, đệ tử của ngài Thần Tú, mà Đàn Kinh và Thần Hội Ngữ Lục ra đời là để bác bỏ chủ trương đó.
d. Hai bản đều tôn trọng Kinh Kim Cang.
e. Hai bản đều giải thích giống nhau về vô niệm.
Vào năm 1971, Đại sư Ấn Thuận cho xuất bản bộ sách Trung Quốc Thiền Tông Sứ để bác bỏ luận điểm của Hồ Thích như sau :
1. Bác bỏ việc cho rằng Đàn Kinh ám chỉ ngày Thần Hội là người duy nhất được ngài Lục Tổ truyền pháp, cho rằng bản xưa nhất đào được ở Đôn Hoàng chính là bản gỗ xưa nhất hiện còn, được các đệ tử của ngài Thần Hội tôn trọng. Nhưng trước đó còn có một bản ở Tào Khê xưa hơn nữa do ngài Pháp Hải sưu tập, là bản gốc của các bản đào được ở Đôn Hoàng cho nên Đàn Kinh không phải do ngài Thần Hội soạn.
Ngài Ấn Thuận còn nêu ra vấn đề ghi trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 28 rằng : khoảng năm 750, ngày Huệ Trung đã sớm phát hiện Đàn kinh bị lẫn lộn tôn chỉ của Nam Phương này hoàn toàn khác hoàn toàn khác với tư tưởng của ngài Thần Hội; điều này còn thấy rõ trong các bản Đàn Kinh đào được ở Đôn Hoàng, cho nên sự tồn tại của bản cổ ở Tào Khê không có gì đáng nghi ngờ.
2. Bác bỏ việc cho rằng dùng Đàn Kinh để truyền tông chỉ : Ngài Ấn Thuận cho rằng ông Hồ Thích hiểu nhằm văn nghĩa truyền tông của Đàn Kinh. Câu mà ông Hồ Thích nêu : “Tập đồ mê chân (…) ưu liệt tường hỷ”, nên giải thích là : Đệ tử của ngài Thần Hội không tỏ ngộ chân tánh, chạy theo thế tục, chẳng khác nào quít ngọt ở Giang Nam mà đưa đến trồng ở đất Hoài thì thành chanh chua, rốt cuộc diễn biến thành việc lấy Đàn Kinh làm qui ước truyền tông chỉ, nên đánh mất thực chất của tâm ấn được mặc truyền, mà biến thành hình thức truyền trao Đàn Kinh (đương thời thầy truyền pháp cho trò phải phụ thêm việc trao truyền một quyển Đàn Kinh làm bằng chứng), cho nên ngài Thần Hội thì hay, còn đệ tử thì dở.
3. Bác bỏ việc cho rằng nội dung của Đàn Kinh giống như nội dung của Đàn Kinh giống như nội dung của Thần Hội Ngữ Lục :
a. Về việc bác bỏ Thiền học luận đương thời, phong cách thiền Khán tịnh, Khán tâm vốn đã có từ thời Tổ Đạo tín trở về sau, chứ không phải là do ngài Phổ Tịch và Hàng Ma khởi xướng. Cho nên không thể cho rằng 2 bản này đều phê phán đường lối thiền ấy rồi suy đoán 2 bản này được soạn ra để phê phán ngài Phổ Tịch và cũng không nên lấy đây làm căn cứ để suy đoán là Đàn Kinh do ngài Thần Hội trứ tác.
b. Nói về Kinh Kim Cang : Thiền môn tôn trọng Bát Nhã, bắt nguồn từ việc ngài Đạo Tín tôn trọng Kinh Văn Thù Bát Nhã, ngài Huệ Năng tôn trọng kinh Kim Cang, đó chỉ là kế truyền thống này mà thôi, đồng thời nài Ấn Thuận dẫn văn làm bằng chứng, để nói rằng người thật sự thiên trọng Kinh Kim Cang chẳng phải là ngài Huệ Năng mà là ngài Thần Hội, để phủ nhận thuyết (cả 2 bản đều xem trọng Kinh Kim Cang, cho nên Đàn Kinh là tác phẩm của ngài Thần Hội ) do ông Hồ Thích chủ trương.
c. Bác bỏ Vô niệm : Vô niệm của Đàn Kinh túc là chỉ thẳng nhất niệm xưa nay giải thoát, đó là khẳng định, còn vô niệm của ngài Thần Hội lại thiên về Bất tác ý, 2 quan điểm hoàn toàn khác nhau.
Tọa thiền của Đàn Kinh là đối với tất cả cảnh giới ở bên ngoài chẳng khởi tâm niệm, khẳng định sự tồn tại của niệm, mà nhấn mạnh chẳng đắm nhiễm vào cảnh giới bên ngoài ; còn tọa thiền trong Thần Hội Ngữ Lục thì cho rằng không khởi niệm là tọa, đó là ý nghĩa tiêu cực, 2 bản này rõ ràng khác nhau.
e. Các điểm trình bày trên đủ để chứng minh Đàn Kinh chẳng phải do ngài Thần Hội trứ tác. Cho nên 2 sách tuy đều có chủ trương định, huệ nhưng tông chỉ lại khác nhau.
Tư tưởng chủ yếu của bản Đàn Kinh đào được ở Đôn Hoàng là:
1. Kiến tánh thành Phật, Phật tánh này tức là chân ngã, có 4 đặc tính mà chúng sanh vốn có đầy đủ, chân ngã của chúng sanh cũng đầy đủ vô lượng công đức công đức, có năng lực sinh ra vạn pháp.
2. Vô tướng là thế, vô trụ là bản, vô niệm là tông, đó là sự triển khai tư tưởng Bát- nhã. Ba điều đó là phương pháp tu hành cụ thể để phá trừ tất cả chấp trước và đạt đến cảnh giới giải thoát không phiền não.
Tư tưởng trọng tâm của Đàn Kinh không phải dừng lại đó, trong bản Đàn Kinh Chí Nguyên (bản khắc vào khoảng năm 1280- 1294), chúng ta thấy từ 2 tư tưởng chủ yếu trên, Đàn Kinh tiến thêm một bước phát triển thành những thuyết sau :
a. Thuyết đốn ngộ, không rơi vào giai cấp : Nghĩa là không cần phương tiện mà ngay đó có thể khai ngộ. Thuyết này xuất phát từ ý “Kiến tánh thành Phật”.
Thuyết “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” : Thiền Tông thời hậu kỳ coi thường kinh giáo 1 cách cực đoan, nhất là Tông Hồng Châu (Mã Tổ), môn hạ của Nam Nhạc và Tông Thạch Đầu, môn hạ của ngài Thanh Nguyên. Từ đó tiến tới việc quở Phật mắng Tổ, thuyết này phát sinh do sự diễn biến của việc “bất tập văn tự”, chủ yếu là chịu ảnh hưởng của Tông Ngưu Đầu.
b. Đạo gia hóa Thiền Tông : Ở đây chịu ảnh hưởng của thiền Ngưu Đầu ở Giang Tả, chú trọng thiền học thực hành. Thuyết này chủ trương : “Không” là gốc của đạo, vô tâm là hợp với đạo, như vậy thì không cần kinh giáo, lễ Phật.Đây là loại thiền phóng nhậm vô vi, Lão Trang hóa, khiến Thiền Tông thoát ly khỏi những nghi thức và giáo điều phiền toái, giàu màu sắc Trung Quốc, cho nên ngày càng hưng thịnh.
c. Thiền tông đời Đường chẳng những đổi mới về Phật học mà còn
khơi nguồn cho lý học đời Tống; Đức Lục Tổ là nhân vật then chốt trong cuộc chuyển biến lớn lao này, vì thế Đàn Kinh là một tác phẩm vĩ đại chuyển xoay toàn bộ tư tưởng truyền thống.
Về các bản gỗ của Đàn Kinh thì gồm có :
1. Bản chép tay ở Đôn Hoàng, gọi đủ là : “Nam Tông Đốn Giáo tối Thượng Đại Thừa Ma- ha Bát- nhã Ba – la – mật Kinh Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư Ư Thiều Châu Đại Phạm Tự Thí Pháp Đàn Kinh”, do ngài Pháp Hải, đệ tử ngài Huệ Năng sưu tập, gồm một quyển, 57 tiết, không chia phẩm mục, là bản xưa nhất trong các bản gỗ.
2. Bản Của chùa Hưng Thánh ở Nhật Bản, có tựa đề là “Lục Tổ Đàn Kinh”, do ngài Huệ Hân biên soạn vào năm 967đời Tống.
3. Theo Quận Trai Độc Thư Chí, Văn Hiến Thông Khảo, do ngài Huệ Hân biên soạn gồm có quyển, 16 môn, nhưng hiện chỉ còn 2 quyển 11 môn do ông Triều Tử Kiện phiên dịch và khắc bản ở Kỳ Châu vào khoảng năm 1131- 1162, được lưu truyền sang Nhật Bản, chùa Hưng Thánh tái bản ấn hành. Ngoài ra, bản chùa Chân Phước, bản chùa Thiên Ninh ở Kim Sơn, bản chùa Đại Thừa đều thuộc bản gỗ này.
4. Bản ở Tào Khê, gọi đủ là Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh Tào Khê Nguyên Bản : Gồm 1 quyển, 10 phẩm hơn 2 vạn chữ. So với bản chép tay đào được ở Đôn Hoàng thì số chữ của bản này nhiều hơn gấp bội, không có ghi tên người soạn (cũng có bản gỗ đề là do môn nhân tên Pháp Hải chép). Trong bài tựa Lục Tổ Đàn Kinh do quan lại Bộ Thị Lang là Lang Giản soạn vào đời Tống có ghi : “ Lúc ngài Khế Tung soạn bài tựa Đàn Kinh, nhân đó tôi thưa với ngài rằng : “Nếu kinh này được hiệu đính chính xác thì tôi sẽ xuất tiền in ấn để truyền bá rộng rãi”. Hai năm sau ngài Khế Tung qủa nhiên dược cổ bản Tào Khê, hiệu đính và khắc thành 3 quyển”. Vậy mà có thuyết cho rằng bản gỗ này do ngài Khế Tung biên soạn lại, cũng có người cho rằng bản này do ngài Đức Dị in vào năm 1290 đời Nguyên.
Bản biên soạn của ngài Tông Bảo vào năm 1291, gồm 1 quyển, 10 phẩm, số phẩm không hoàn toàn giống với bản trước, nhưng lời văn lại đại khái giống nhau, đây là bản thường thấy lưu hành.
Vào năm 1944, Phổ Huệ Đại Tạng Kinh sanh Hành Hội, gồm 4 bản đã kể trên tổng hợp thành một bản và ấn hành.
Chú sớ của Đàn Kinh có rất nhiều, có các bản trọng yếu như : Pháp Bảo Đàn Kinh Tán 1 quyển (Khế Trung), Chú Pháp Bảo Đàn Kinh Hải Thủy Nhất Trích 5 quyển (Thiên Trụ), Pháp Bảo Đàn Tiết Lục (tên Hoằng Đạo), Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh Giải (Lý Trác Ngô), Pháp Bảo Đàn Kinh Yếu Giải (tuyên Tuyền), Pháp Bảo Đàn Kinh Khẳng Khoản 5 quyển (Ích Thuần), Pháp Bảo Đàn Kinh Giảng Nghĩa 1 quyển (Thanh Loan), Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh Tiên Chú 1 quyển (Đinh Phúc Bảo), Lục Tổ Đàn Kinh Đài Chửu 3 quyển (Vô Trước Đạo Trung).
Theo : Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 5; Thích Môn Chánh Thống 8; Tào Khê Đại Sư Biệt Truyện Hậu Ký; Đông Vực Truyền Đăng Mục Lục; hạ; Thiền Tịch Chí; thượng; Thiền Học Tư Tưởng Sử; thượng; Lục Tổ Đàn Kinh Nghiên Cứu Luận Tập (Hiện Đại Phật Giáo Học Thuật Tùng San Tập 1).
Nguồn: từ điển Phật học Huệ Quang
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với LỤC TỔ ĐÀN KINH tương ứng trong từ điển Phật học online:
Trả lời