Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ TAM ÁC ĐẠO trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ TAM ÁC ĐẠO theo từ điển Phật học như sau:
TAM ÁC ĐẠO
Tam ác đạo là ba đường dữ : Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh. Do chúng sanh tạo nhiều ác nghiệp nên lúc mạng chung chiêu cảm ác báo bị đọa trong ba đường dữ chịu nhiều thống khổ đớn đau.
1. Địa ngục : Địa ngục tiếng Phạn gọi là Ma-Lực-Ca, Trung Hoa dịch là Bất-Lạc, Khổ-cụ, Khổ-khí, Vô-hữu…nghĩa là cảnh giới hoàn toàn thống khổ không bao giờ có chút an vui, đáng ghê gớm sợ sệt đủ thứ cực hình, nơi tra tấn khốc liệt, tội nhân ở đó bị lửa đốt bị quăng vào vạc dầu sôi, bị cưa, bị kéo đau đớn vô cùng, chừng nào nghiệp báo hết thì mới thoát khỏi chốn này. Địa ngục này ở dưới đất nên gọi là Địa ngục. Tất cả các địa ngục đều có ba loại :
– Căn bản địa ngục : Bát hàn, Bát đại địa ngục
– Cận biên Địa ngục : 16 du tăng địa ngục…
Cô độc Địa ngục : Địa ngục ở trong núi, trong đồng nội, ở dưới cội cây… chúng sanh do tạo tội Thượng phẩm thập ác mà đọa địa ngục.
2. Ngạ quỉ : Là cảnh giới của loài quỉ đói khát, muốn ăn mà không được ăn, muốn uống mà không uống được, vì thế nên luôn bị sự đói khát bức bách lại bị đánh đập liên miên. Chúng sanh do tạo nghiệp phạm Trung phẩm thập ác và tham lam bỏn xẻn, keo kiệt mà cảm lấy quả báo làm ngạ quỉ và có hình thù rất xấu xí.
3. Súc sanh : Là chốn đầu thai làm súc sanh như ngựa, lừa, heo, chó,… Súc sanh bị người ta đày đọa làm việc khổ cực như trâu, bò, lừa,… lại còn bị chém giết, ăn thịt và chính chúng nó giết hại lẫn nhau để ăn nuốt, nên rất là đau đớn khốn khổ. Chúng sanh do tạo nghiệp Hạ phẩm thập ác mà chiêu cảm quả báo đọa làm thú và chịu nhiều thống khổ.
Do các sự độc ác khổ não ấy, nên gọi ba đường luân hồi ấy là Tam ác đạo, Tam thú.
Theo PHDS của Đoàn Trung Còn.
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với TAM ÁC ĐẠO tương ứng trong từ điển Phật học online:
Trả lời