Chuyển tới nội dung

Duy tuệ thị nghiệp

Ý nghĩa của chữ Tuệ trong lời dạy của Đức Phật trong “Duy Tuệ Thị Nghiệp” và ý nghĩa thâm sâu của câu kệ.

Tuệ hay còn gọi là huệ, dùng để chỉ cái trí, cái trí tuệ mà trong Phật giáo nguyên thủy đã dùng để chỉ cái trí tuệ rộng lớn, sâu sắc và viên mãn. Trong tiếng Phạn có danh từ Bát Nhã (Prajnà), một từ mà các vị tổ Phật giáo từ xa xưa khi chuyển dịch kinh văn từ tiếng Phạn sang Hán Văn đã không thể nào tìm một từ nào thay thế cho được, nên cuối cùng phải dùng từ phiên âm Bát Nhã. Bát Nhã trong tiếng Phạn có rất nhiều nghĩa như : Xa lìa vô minh phiền não (viễn ly), sáng suốt không mờ tối (Minh), thông suốt (Trí), sáng tỏ thông suốt (Trí tuệ), thanh tịnh, trong sạch, không nhiễm ô.

Bát Nhã có nhiều nghĩa như vậy, nên các vị Tổ ngày xưa khi dịch đành phải để nguyên âm chữ Phạn (Prajnà) là Bát nhã. Tuy nhiên, trong các nghĩa trên đây, chữ trí tuệ thì có phần rõ ràng và sát nghĩa hơn hết. Nhưng đây là một loại trí tuệ đặc biệt, phát sinh từ công hạnh tu hành theo pháp quán không mà chứng đắc. Ðây là loại trí tuệ thanh tịnh của chư Phật vừa rỗng lặng vừa trong suốt, nhờ đó mà quán chiếu được thật tướng của các pháp và thấy rõ các pháp là không có tự tính.

Trí tuệ nói chung cũng có nhiều loại khác nhau như:

– Trí tuệ thế gian là trí tuệ của đời thường. Thông thường trí tuệ này biểu hiện ở những người học giỏi, thông minh, lanh lợi, nhiều kiến thức, thường được gọi là trí thức. Nhưng đó là thứ trí tuệ của thế gian, của thế tục phàm phu. Cái trí tuệ này có nhiều trình độ cao thấp khác nhau, dù đó là trí tuệ của một nhà bác học lỗi lạc nhưng cũng không phải là trí tuệ Bát nhã đúng theo nghĩa Bát nhã của Đại thừa, gọi là trí tuệ thế gian hay trí thức đời thường.

– Trí tuệ ngoại đạo là trí tuệ của những người ngoại đạo do công phu tu luyện mà có, biết được quá khứ hiện tại vị lai, thần thông biến hóa. Nhưng chỉ là trí tuệ tà đạo, không phải là trí tuệ Bát nhã.

– Trí tuệ Nhị thừa là trí tuệ của các hàng thánh thanh văn, duyên giác do tu theo pháp Tứ Diệu đế và Thập Nhị nhân duyên mà thành đạo quả. Các vị này cũng thoát khỏi sinh tử luân hồi, thần thông tự tại, biết được việc quá khứ hiện tại và vị lai. Nhưng trí tuệ đó mới chỉ phá được cái chấp của ngã, chưa phá được cái chấp của pháp. Vì vậy cũng không phải là Trí tuệ Bát nhã.

– Cái cao nhất là Trí tuệ Bát Nhã, đó là trí tuệ của các bậc đại thừa tu theo pháp Lục độ ba la mật và giác ngộ hoàn toàn. Đó là trí tuệ của chư Phật và của các vị Bồ tát Đại thừa. Công dụng của trí tuệ Bát nhã có thể phá được hết tất cả mọi vô minh vọng chấp. Bởi thế trí tuệ Bát nhã có thể chiếu soi các pháp thì pháp nào cũng phải bỏ hình giả dối mà còn lại tướng chân thật của các pháp, tức là chân như hay chân lý của vũ trụ đã hiện ra vậy.

Trí tuệ có nhiều loại như vậy, cho nên cần phải hiểu trí tuệ trong “Duy tuệ thị nghiệp” như thế nào? Bởi vì đây là lời kinh mà Đức Phật dạy cho tất cả các loại bồ tát, từ người sơ cơ mới bước chân vào đường học đạo cho đến các vị đại bồ tát đã qua thập địa , nên chữ tuệ ở đây bao hàm một nghĩa rất rộng từ thấp đến cao, từ cái trí tuệ thấp nhất của trí tuệ đời thường (tri thức) đến cái cao nhất là trí tuệ bát nhã.

Từ xưa đến nay, nhiều nhà nghiên cứu Phật học, cũng như các bậc chư tôn thiền đức, các bậc thiện tri thức tu học Phật đã đề cập đến khái niệm trí tuệ và vai trò của trí tuệ trong Phật giáo. Nói chung đều thống nhất ở một điểm là phải có cái học nghiêm túc, sâu sắc thì mới phát sinh ra tuệ tức trí tuệ. Nhưng để đạt đến trí tuệ phát sinh thì phải qua nhiều giai đoạn học hỏi, rèn luyện từ thấp đến cao, có thể hiểu như từ trí thức chuyển thành trí tuệ. Khái niệm trí thức (giai đoạn thấp) là chỉ cho những hiểu biết đời thường kể cả về những hiểu biết cao siêu về khoa học kỹ thuật, tự nhiên và xã hội, còn khái niệm trí tuệ là trình độ đạt đến giác ngộ của các bậc Bồ tát đại thừa trở lên. Một Phật tử hay một học giả thâm uyên dù có biết rộng mọi khái niệm về khổ và lý thuyết diệt khổ hay một số giáo lý cơ bản thì mới chỉ được phần trí thức. Nhưng có đạt được trí tuệ hay không là do công hạnh hành trì thực chứng cao hơn..

Cũng vì vậy mà trong đạo Phật mới có hai bậc học là bậc hữu học và bậc vô học, trong đó bậc vô học là cao hơn, trên bậc hữu học. Hay nói khác đi, về cơ bản có hai loại trí tuệ, trí tuệ hữu lậu và trí tuệ vô lậu, trong đó trí tuệ vô lậu là cao hơn hết. Đó cũng là cái gọi khác của trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thế gian. Người có trí tuệ hữu lậu (trí tuệ thế gian) là người có tri thức nhưng còn mang đầy phiền não, chấp trước, còn tham sân si và chỉ có khả năng hiểu biết hiện tượng bình thường nhưng còn dính mắc với tham sân si mạn nghi, tà kiến và phiền não. Còn trí tuệ vô lậu (trí tuệ xuất thế gian) là trí tuệ thanh tịnh, có khả năng đoạn trừ phiền não không bị nhiễm ô hữu lậu, tức là trí tuệ bát nhã đã đạt được chứng ngộ giải thoát, niết bàn.

Nói một cách đơn giản, trí tuệ hữu lậu là trí tuệ đạt được nhờ sự hiểu biết do được nghe, giảng, đọc (văn), sau đó tư duy, suy nghĩ (tư) và sau cùng đem những hiểu biết vào ứng dung, hành trì (tu). Tức là Văn-Tư-Tu theo con đường tam huệ học. Còn trí tuệ vô lậu là trí tuệ được tu tập qua tu tập, tư duy, quán chiếu, phải do tu chứng mà tựu thành, không phải chỉ do cái học bình thường mà hun đúc nên được. Muốn có trí tuệ ấy phải có việc tu chứng tự ngộ bằng cách quán chiếu nghiêm trì giới luật (giới), công phu thiền định nghiêm mật (định) và quán chiếu phát sinh trí tuệ (tuệ) mới thành công được. Đó là quá trình thực hành Giới-Định-Tuệ của tam vô lậu học.

Bài pháp thoại Duy tuệ thị nghiệp do thầy Thích Thiện Xuân thuyết giảng tại Chùa Phật Học Xa Lợi, Tp. Hồ Chí Minh.

https://www.youtube.com/watch?v=xs_ZFIGrLWI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

 

Developed by petolog.com
DMCA.com Protection Status