Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ KHÔNG trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ KHÔNG theo từ điển Phật học như sau:
KHÔNG
KHÔNG; S. Sunya; A. empty, void, vacant, non-existent.
Rỗng không, không tồn tại.
Theo đạo Phật, mọi sự vật trong thế giới hiện tượng, to hay nhỏ, giản đơn hay phức tạp đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, cho nên không có thực thể, không thể tồn tại tự bản thân chúng. Do đó có nghĩa là không, chứ không có nghĩa là không có gì hết, chỉ là hư vô, thì đó cũng là mê chấp (chấp không).
“Cốc hay thân ảo, chẳng khác phù vân,
Vạn sự giai không, tựa dường bọt bể.”
(Trần Nhân Tông –Cư Trần Lạc Đạo Phú)
Không còn có nghĩa là siêu việt, tuyệt đối, phi nhị nguyên, mọi mâu thuẫn đều xóa bỏ, là cảnh giới của các bậc Thánh. Vì vậy, sách Phật dùng các khái niệm Thắng nghĩa không, Đệ nhất không, Tất cánh không, Tuyệt đãi không, để nói lên cái nghĩa không siêu việt này, một cái không mà không có danh từ nào (S. alakassa vô tính) có thể diễn tả được.
KHÔNG, CÓ; H. Hữu, Vô
Hết thảy sựa vật thế gian đều vô thường, còn đấy, mất đấy, nếu sinh lòng tham, bám lấy, vơ lấy thì nhất định sẽ khổ, vì rằng mọi sự vật đều do nhân duyên giả hợp mà thành, không có thực thể.
“Sự đời chớ khá hơn thua,
không không có có, đắn đo cũng phiền.”
“Chốn Diêm phù nhiễu nỗi nhục vinh,
Không lại có, sang hèn dời đổi.”
(Thiền sư Toàn Nhật).
KHÔNG CƯ THIÊN
Chỉ có những loài Trời có chỗ ở trên hư không, khác với những loài Trời địa cư thiên, có chỗ ở trên đất liền.
KHÔNG ĐẠI
Một trong 5 cái lớn (đại): Địa, thủy, hỏa, phong, không (x. năm đại). Năm đại này tạo thành thế giới vật chất.
KHÔNG ĐỊNH
Một tên gọi khác của Không tam muội. Phép quán mọi sự vật, hiện tượng, mọi pháp đều không rỗng.
KHÔNG GIẢ TRUNG
Phép quán của tông Thiên Thai. Mọi pháp, sự vật đều là không vì do nhân duyên hợp thành, như vậy, chúng tồn tại giả, không có thực thể. Đó là vì có một nguyên lý trung đạo (Trung), tổng hợp chúng lại, siêu việt chúng. Theo Tông Thiên Thai, không có gì là mâu thuẫn giữa ba khái niệm không, giả và trung.
KHÔNG KHÔNG
Đối với người ngộ đạo, chấp có hay chấp không đều sai, vì đều [tr.342] cũng là chấp cả. Đạo Phật bác bỏ mọi chấp thủ. Kinh Kim Cương nói:
“Pháp còn bỏ huống hồ là phi pháp.” Ý tứ là Phật pháp ví như cái bè, đưa chúng sinh vượt qua sông sinh tử. Đến bờ giác ngộ rồi thì cái bè Phật pháp cũng bỏ lại, huống hồ là những cái, những điều không phải Phật pháp.
KHÔNG KIẾN
Chấp không có gì hết, tất cả đều hư vô, cũng là một mê chấp, không khác gì chấp hữu.
Thiền sư Cứu Chỉ đời Lý nói:
“Khổng Mặc chấp hữu. Trang Lão nịch vô, thế tục chi điển, phi giải thoát pháp, duy hữu Phật giáo bất kế hữu vô, khả liễu sinh tử…” (Thiền Uyển Tập Anh).
Nghĩa: Khổng Mặc chấp có. Trang Lão chấp vô. Sách vở thế tục không phải là pháp giải thoát. Chỉ có Phật giáo không chấp hữu vô, mới có thể giải thoát sống chết.
KHÔNG KIẾP
Đối với một thế giới, sau hoại kiếp là đến không kiếp là giai đoạn thế giới tan biến, không còn tồn tại. Mỗi thế giới đều trải qua một chu kỳ gồm bốn giai đoạn rất dài, gọi là bốn kiếp: thành, trụ, hoại, không.
KHÔNG MÔN
Cửa không (cửa Phật).
“Hãy đem mệnh bạc xin nhờ cửa không”.
(Truyện Kiều)
KHÔNG NHÀN
Vắng vẻ nhàn hạ. Không nên hiểu nhàn là rỗi rãi vô sự. Nhà là không vướng mắc, chấp thủ.
KHÔNG NHẤT THIẾT XỨ
Nhất thiết xứ là tất cả mọi nơi. Tất cả mọi nơi đều không vắng. Là một tên gọi khác của cấp thiền không vô biên xứ, thuộc Vô sắc giới.
KHÔNG NHƯ LAI TẠNG
Chân Như trong cái tuyệt đối phi nhị nguyên. Là một tên gọi khác của Chân Như (x. Chân Như).
KHÔNG TAM MUỘI
Phép tu thiền định, quán thấy ngã và pháp đều là không, rỗng (x. Không định).
KHÔNG TÁNH (TÍNH); S. Sunyata
Cảnh giới của Phật và các bậc Thánh siêu việt mọi thuộc tính, mọi đối đãi, gọi là “không tính” hay là bất khả tư nghì (không thể nghĩ bàn được).
KHÔNG TÂM
Tâm trạng của người tu thiền, không bị vướng mắc vào thế giới hiện tượng, không còn động niệm.
KHÔNG THAM
Tâm trạng thiện căn bản, đối lập với tham là tâm trạng bất thiện căn bản.
KHÔNG TỊNH
Không lặng, vắng vẻ.
KHÔNG THỈ GIÁO
Khái niệm của Tông Hoa Nghiêm. Theo Tông này, Phật bắt đầu giảng thuyết không, trong các kinh Bát Nhã để phá chấp hữu, đến thời kỳ thứ hai gọi là tướng thỉ giáo, trong các Kinh Giải Thâm Mật v.v… Phật nói tới thực tướng của các pháp. Thỉ hay thủy nghĩa là ban đầu, như trong hợp từ thủy chung.
KHÔNG TÒA
Tòa là chỗ ngồi. Nơi ngồi của Phật. Kinh Pháp Hoa có câu: Như Lai tòa giải nhất thiết pháp không tại (Nơi ngồi của Như Lai là tất cả các pháp đều không).
KHÔNG TÔNG
Tên gọi chung các tông phái phát triển, giải thích thuyết Không. Như tông phái Trung Quán của Long Thọ, Tông Thiên Thai của Trí Khải, tông Thành Thực của Harivarman.
KHÔNG TỨC THỊ SẮC
Một khái niệm của trường phái Bát Nhã. Mọi sắc pháp đều rỗng không, vì chúng do nhân duyên giả hợp mà thành.
Thái hậu Ỷ Lan đời Lý có bài Kệ ngộ đạo:
“Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức thị không,
Sắc không câu bất quản,
Phương đắc khế chân tông.”
Dịch:
“Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tứ không,
Sắc không đều không vướng,
Mới phù hợp chân tông.”
KHÔNG VÔ BIÊN XỨ; S. Akasanantyaatana; A. The abode of infinite space.
Cấp thiền thứ nhất của Vô sắc giới. Ở cấp thiền này, mọi khái niệm về sắc đều bị loại trừ. Thiền giả an trú trong cảnh giới hư không vô biên.
KHÔNG VƯƠNG
Một danh hiệu của Phật, bậc đại trí tuệ đã thấu suốt lý không của tất cả mọi pháp. Lý không tức là lí vô ngã. Mọi pháp đều không có thực thể, không có thể nắm bắt cho nên là vô ngã.
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với KHÔNG tương ứng trong từ điển Phật học online:
Trả lời