Chuyển tới nội dung

Bệnh tật

Khái niệm về sức khỏe và bệnh tật trong đạo Phật được thiết lập trên nguyên tắc của lý duyên khởi và luật nhân quả. Theo đó, vấn đề này cần được hiểu một cách toàn diện trong các mối quan hệ với cả một hệ thống con người và những điều kiện môi trường gồm cả kinh tế, xã hội và văn hóa.

Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với quan điểm phân tích có xu hướng mổ xẻ con người, thân cũng như tâm, thành nhiều phần khác nhau. Theo quan điểm chia chẻ này, sức khỏe được hiểu theo khái niệm rất hạn hẹp là sự vắng mặt các triệu chứng bệnh và có thể đo lường được. Bác sĩ và các chuyên gia y tế nào có quan điểm này thường chú ý đến những bộ phận nhất định nào đó trong cơ thể con người khi thăm khám hay kiểm tra sức khỏe, mà không quan tâm đến việc coi bệnh nhân như là một con người chỉnh thể. Như vậy, họ tự giới hạn phạm vi chăm sóc y tế của mình ở những triệu chứng có thể đo lường được. Quan điểm toàn diện của đạo Phật, ngược lại, chú trọng vào con người toàn diện và cho rằng con người không chỉ là sinh vật với thân thể vật lý mà còn là con người với đầy đủ tình cảm, tinh thần, xã hội và tâm linh. Trong một thực thể tâm-sinh lý như vậy, bệnh của thân sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và tình cảm. Tương tự như vậy, những trục trặc về tinh thần, tình cảm và xã hội cũng gây ảnh hưởng lên thân thể. Do đó, một khi quan tâm đến sức khỏe con người, chúng ta phải quan tâm đến toàn bộ con người, thân, tâm và tình cảm cũng như môi trường xã hội. Đây là mục đích lý tưởng mà một mình y khoa hoặc các dịch vụ y tế thì không thể nào kham nổi. Thế nhưng, chúng ta cần suy gẫm và nỗ lực hướng đến mục đích đó, bởi vì có lẽ sức khỏe tổng thể của con người chỉ có thể đạt được khi có sự nỗ lực trong tinh thần hợp tác giữa y khoa, cá nhân và các dịch vụ xã hội liên quan.

Powered by xemphongthuy.net

DMCA.com Protection Status