Chuyển tới nội dung

Truyện thơ Mục Liên Thanh Đề

Nhân mùa Vu lan báo hiếu, kính gửi đến quý Phật tử tập Truyện thơ Mục Liên Thanh Đề của cư sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao

Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên (cũng gọi là Mục Liên). Bà tính tình tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo, tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều “nhân” xấu nên khi chết đi chịu “quả” ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm loài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục.

Mục Liên Thanh Đề

Ngài Mục Liên là một trong số mười đại đệ tử của Đức Phật, tài giỏi hàng đầu về thần thông. Một ngày ngài dùng “đạo nhãn” xem trong thế gian và nhận thấy mẹ mình bị sinh vào con đường đói khổ trong chốn địa ngục thẳm sâu, chịu bao nhiêu cực hình. Ngài thương xót nên mang cơm đến dâng cho mẹ. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên nên khi bà mẹ đưa cơm vào miệng thì cơm hóa thành ra than hồng, bà không ăn được.

Ngài Mục Liên hết sức đau buồn, trở về bạch với Phật mọi sự tình và cầu xin Phật chỉ dạy cho phương cách cứu độ mẹ mình. Phật dạy rằng mặc dù lòng hiếu thảo của ngài vô cùng lớn lao và tuy rất giỏi về thần thông ngài cũng không thể một mình mà cứu độ được cho mẹ. Phải cần nhờ đến oai thần, đến đức lớn như biển, đến lực gia trì của chư tăng, ni trong mười phương, mới mong giải thoát được cho mẹ.

Ngài Mục Liên đã thực hiện đúng những lời Phật dạy, vào ngày RẰM tháng BẢY, ngày lễ VU LAN, thành tâm kính lễ trai tăng nên mẹ mới thoát khỏi kiếp quỷ đói và sinh về cảnh giới an lành.

Truyện MỤC LIÊN – THANH ĐỀ nhấn mạnh đến luật “nhân quả”, đến lòng hiếu thảo chí thành của ngài Mục Liên và công đức trì trai, giữ giới thanh tịnh trong ba tháng an cư kiết hạ của chư tăng, ni. Tất cả cùng thành tâm chú nguyện mà tạo ra sức mạnh cảm thông và kích thích đến tâm hồn bà Thanh Đề, làm bà tự bản thân mình thức tỉnh cơn mê, xoay chuyển tâm niệm ác, hướng về nẻo thiện và do đó thoát khỏi hình phạt khổ cực nơi địa ngục. Kinh Phật dạy rằng:

“Tâm có thể tạo nghiệp,
mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp.”

Ngài Mục Liên là một tấm gương sáng chói tượng trưng cho lòng chí hiếu và báo ân. Ngài đã thực hành phép sám hối để báo ân mà cứu được mẹ thoát khỏi địa ngục.

Ngày lễ Vu Lan trong Đạo Phật là ngày “Phật Hoan Hỷ”, ngày “Tự Tứ”. Tăng, ni tập trung vào sự tu niệm và thỉnh cầu những bậc trưởng thượng chỉ dạy mọi lỗi lầm để mình thành tâm sám hối nên Phật rất vui vì tinh thần phục thiện, hối cải đó.

Ngày Vu Lan cũng là ngày “Báo Hiếu”, gợi lại lòng hiếu thảo của người con Phật. Nhân dịp này Phật tử nhớ lại công ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng cực khổ mà nhờ đến sức chú nguyện của chư tăng, ni để phụ lực mà độ cho cha mẹ.

Cha mẹ quá vãng dù đã qua bảy đời thì nếu có sa vào đường khổ cũng nhờ phúc đức này mà được thoát khỏi, được siêu thăng. Còn nếu cha mẹ không đi trong đường khổ thì nhờ phúc đức này mà được tăng trưởng thiện căn. Nếu cha mẹ còn sống, chưa qua đời, thời nhờ phúc đức đó mà tăng trưởng tuổi thọ và phát tâm Bồ Đề.

Ngày lễ Vu Lan cũng là ngày “Xá Tội Vong Nhân”, ngày cầu siêu độ cho tiền nhân quá cố. Đó là ngày tha thứ mọi lỗi lầm. Mọi người đều ăn năn, xin cải đổi sám hối. Chư tăng, ni cầu nguyện cho các vong nhân được thoát khỏi cảnh đọa đày của ba đường ác là “địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh”.

Hiếu thảo thường được hiểu là lo đầy đủ mọi thứ về vật chất cho cha mẹ. Nhưng cha mẹ sẽ qua đời một ngày nào đó. Theo Đạo Phật, chúng ta không chỉ có mặt ở một đời này mà còn có mặt ở vô số kiếp về trước và sau nữa, mất thân này sẽ

mang thân khác. Bởi vậy người con hiếu còn phải lo cho cha mẹ cả về tinh thần, làm sao thức tỉnh cha mẹ hướng về đường thiện, tin vào nhân quả tội phước, quy y tam Bảo, niệm Phật làm lành để trong đời hiện tại cha mẹ được yên vui và khi mất đi sẽ được hạnh phúc, an lành trong đời sau.

“Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật”. Với truyền thống người Việt ta, hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết, rất thiêng liêng và cao cả. Có hiếu trong gia đình thì mới có thể là một công dân tốt ngoài xã hội. Hiếu là bước đầu để xây dựng một gia đình tốt đẹp, một xã hội văn minh và tiến lên thành một quốc gia cường thịnh.

Soạn giả đã dựa vào một số tài liệu xưa và nay mà viết lại toàn bộ truyện MỤC LIÊN – THANH ĐỀ bằng những dòng thơ “lục bát” nhẹ nhàng, trong sáng và bình dị để độc giả dễ đọc, dễ hiểu và dễ cảm nhận. Mong rằng ý nghĩa của truyện xưa này sẽ là ngọn đuốc tuệ soi sáng cho con người nương vào đó để vượt qua những con đường vô minh, hành phép sám hối mà diệt tội, hầu vượt qua biển khổ sinh tử mà ghé bờ giải thoát thơm hương.

Diệu Phương

Truyện xưa có kể lại rằng

Thời kỳ Đức Phật còn đang tại trần

Nơi thành Vương Xá xa xăm

Có ông trưởng giả vô ngần giàu sang

Nhiều vườn ruộng, lắm bạc vàng

Từng bầy voi ngựa, từng đàn trâu dê

Gia nhân đông đúc cận kề

Ông tên Phó Tướng muôn bề tốt thay

Giữ gìn đạo đức hàng ngày

Thường tu Lục Độ lâu nay chẳng rời:

“Một là bố thí cho người

Hai là trì giới sống đời sạch trong

Ba là nhẫn nhục tột cùng

Bốn là tinh tấn quyết lòng theo tu

Năm là thiền định công phu

Sáu là trí tuệ rạng như ánh hồng.”

Bà Thanh Đề là vợ ông

Than ôi trái lại vô cùng xấu xa

Vừa tham lam lại gian tà

Làm điều ác đức tính ra đủ mười.

Sinh con trai được một người

Tên là La Bốc tính thời dễ thương

Vừa thông minh đủ mọi đường

Lại thêm hiếu thảo xóm làng nổi danh.

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh

Ít lâu sau đó gia đình không vui

Vì ông trưởng giả qua đời

Chàng trai La Bốc tức thời cư tang

Đủ ba năm, rất đàng hoàng

Cho tròn chữ hiếu lòng chàng mới yên.

Mãn kỳ tang chế nói trên

Chàng bèn tìm mẹ và liền thưa ngay:

“Các kho châu báu lâu nay

Mở ra tính toán mai này rồi chia

Ba phần đều đặn trọn bề

Một phần dâng mẹ dùng chi hàng ngày

Một phần sửa soạn tiệc chay

Cúng dường Tam Bảo lòng đầy thành tâm

Còn con xin giữ một phần

Dùng làm vốn liếng vì cần đi xa

Nơi xứ lạ, không gần nhà

Kinh doanh buôn bán lo mà lập thân

Tạo nên cơ nghiệp sáng ngần

Thời nhà mình cũng thêm phần vẻ vang.”

Mẹ nghe, thuận ý cùng chàng

Chàng liền sửa soạn lên đường đi buôn,

Gia nhân Ích Lợi tinh khôn

Thỉnh cầu xin được đi luôn theo cùng.

Khi chàng vừa mới đi xong

Mẹ chàng vội triệu tập trong gia đình

Gia nhân tụ họp vây quanh

Bà Thanh Đề nói ý mình cho nghe:

“Con ta trước lúc ra đi

Dặn ta chu tất mỗi khi cúng dường

Cúng trai tăng chớ coi thường

Nhưng ta chẳng muốn theo đường này đâu

Ta không tin ở đạo mầu

Cho nên nếu có tăng nào tới đây

Để mà khất thực hàng ngày

Thời dùng roi gậy đánh ngay đuổi liền

Thế là họ hết làm phiền

Về sau không dám đến bên nhà mình,

Số tiền cúng ta để dành

Mua nhiều súc vật thỏa tình bấy lâu

Ngỗng ngan, dê ngựa, bò trâu

Heo cùng gà vịt giết mau tế thần

Rồi ăn cho sướng miệng luôn

Ăn xong mua nữa chẳng buồn tiếc thương

Ăn hoài cho đến chán chường

Tộâi gì mà phải cúng dường cho ai!”

Gia nhân miễn cưỡng theo lời

Chỉ lo giết chóc, xa rời các tăng.

Về phần La Bốc buôn hàng

Ba năm trời đã lẹ làng êm trôi

Làm ăn cần kiệm xứ người

Bán buôn chịu khó nay thời giàu lên,

Một ngày chàng quyết định liền

Trở về thăm viếng mẹ hiền yêu thương.

Mệt vì di chuyển dọc đường

Tới ngoài thành phố thời chàng dừng chân

Tạm ngừng cho khỏe đôi phần

Sai người về trước báo thân mẫu mình,

Gia nhân Ích Lợi nhiệt tình

Tuân theo lệnh chủ phóng nhanh về liền.

Một hầu gái thấy trước tiên

Chạy vào tìm chủ báo tin bất thường

Bà Thanh Đề vội phô trương

Làm như mình cũng cúng dường chư tăng

Nên trong nhà bày vội vàng

Mang nhiều phan phướn trang hoàng êm xuôi

Vừa khi Ích Lợi tới nơi

Bà bèn nghiêm chỉnh cất lời hỏi ngay:

“Con ta về thật mừng thay

Sao chưa có mặt? Giờ này ở đâu?”

Gia nhân vội vã trình mau:

“Thưa bà công tử chưa vào tới đây

Hãy còn ở tận phía Tây

Ngoài thành Vương Xá vài ngày nữa thôi.”

Bà Thanh Đề nói giọng vui:

“Sau khi La Bốc và ngươi lên đường

Ta liền tổ chức cúng dường

Hơn năm trăm vị chư tăng tại nhà.”

Gia nhân Ích Lợi nghe qua

Trong lòng chợt thấy chan hòa niềm vui

Khi vào nhà thấy khắp nơi

Đây thời phan phướn, kia thời bông hoa

Chiếu giường, bàn ghế phô ra

Lại thêm bát chén thật là ngổn ngang

Đều chưa dọn dẹp đàng hoàng

Bao điều trước mắt rõ ràng đáng tin.

Nghĩ đây là đấng mẹ hiền

Gia nhân trở lại nào quên tường trình

Những gì trông thấy rành rành

Nghe xong La Bốc quả tình hân hoan

Vội về, hoan hỉ ngập tràn

Vừa đi vừa lạy vô vàn thành tâm.

Họ hàng, quyến thuộc, người thân

Nghe chàng trở lại xa gần họp nhau

Kéo ra đón tiếp trước sau

Nhìn chàng đi đứng thấy sao bất thường

Vừa đi vừa lạy dọc đường

Họ bèn xúm hỏi: “Ông đương làm gì

Phật đâu có phía trước kia

Tăng thời không có ở về phía sau

Vậy ông lễ lạy ai nào?”

Chàng La Bốc ngại ngần đâu trả lời:

“Chính là tôi lạy mẹ tôi

Tôi vì buôn bán vừa rồi đi xa

Mẹ tôi lúc ở lại nhà

Kính tin Tam Bảo, thiết tha cúng dường

Hơn năm trăm vị cao tăng

Bà mời cung kính đàng hoàng lắm thay.”

Mọi người kinh ngạc nói ngay:

“Vì ông đi vắng nào hay sự tình

Mẹ ông ở lại gia đình

Bao nhiêu ác nghiệp tự mình gây ra

Chư tăng khất thực trước nhà

Bà đều đánh đuổi thấy mà tang thương,

Còn tiền ông dặn cúng dường

Bà mua súc vật và thường giết ăn

Sau khi cắt tiết tế thần

Chính tay bà đã bao lần sát sinh.”

Chàng nghe tội lỗi mẹ mình

Tưởng như sét đánh thình lình bên tai

Ngã luôn xuống đất nằm dài

Lịm người bất tỉnh một hồi thật lâu

Tin nghe mang lắm đớn đau

Thấy mà tội nghiệp biết bao cho chàng.

Bà Thanh Đề rất hoang mang

Khi nghe tin dữ vội vàng chạy ra

Được con cho biết chính bà

Gây bao ác nghiệp trong nhà mới đây

Nên con lâm tình cảnh này,

Bà bèn cứu chữa con ngay tức thì

Rồi bà lớn tiếng nguyện thề:

“Trời cao đất rộng bốn bề thênh thang

Bể kia lồng lộng sóng vàng

Nếu mà mẹ chẳng cúng dường chư tăng

Sau khi con rời khỏi làng

Thời về mẹ bệnh liệt giường luôn thôi

Rồi khi nhắm mắt lìa đời

Đọa vào địa ngục đúng lời thề đây

Chịu bao quả báo sau này

Mong con hãy trở về ngay gia đình!”

Nghe lời thề của mẹ mình

Nặng như trái núi quả tình gớm ghê

Tin lời mẹ dối gian thề

Nên chàng La Bốc chịu về nhà ngay.

Xem trọn tập truyện thơ Mục Liên Thanh Đề file PDF: https://drive.google.com/file/d/1TP2yWvXvSCYJttZCFFFIFwFhimDLb33r/view

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

 

Powered by hidalat.com

DMCA.com Protection Status