Chuyển tới nội dung

Tạp tu và chuyên tu

Có quan niệm cho rằng, người tu pháp môn Tịnh độ mà đọc tụng, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp ngoài các kinh Tịnh độ, và hành thiện tu phước (làm các việc cúng dường, bố thí-từ thiện) là tạp tu; chỉ niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà là đủ, đó gọi là chuyên tu.

Trong thời gian gần đây, quan niệm trên trở nên khá phổ biến, nhiều vị giảng sư thuộc tông Tịnh Độ cũng chủ trương như thế. Nhận thấy quan niệm tu tập này có nhiều chỗ không hay, nếu không muốn nói là gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, cho nên người viết mạo muội nói lên suy nghĩ của mình, đưa ra ý kiến để cùng nhau trao đổi, thảo luận hầu giúp mọi người nhận định đúng hơn về đường lối tu tập của Tịnh tông.

Tạp tu và chuyên tu
Theo người viết, dù tu pháp môn nào, hành giả cũng phải nắm lấy trọng tâm của giáo pháp, căn cứ trên cơ sở kinh điển, không thể chủ trương đường hướng lệch lạc, xa rời kinh điển và giáo pháp của Đức Phật. Nghiên cứu các kinh điển, sớ giải thuộc tông Tịnh Độ, chúng ta không hề thấy việc khuyên người tu Tịnh độ chỉ niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà mà không nên đọc tụng, nghiên cứu kinh điển và làm các việc từ thiện, tu tạo công đức. Ngược lại, qua các kinh Tịnh độ, chư Phật, Tổ còn dạy hành giả nên siêng năng đọc tụng kinh điển Đại thừa (“đọc tụng kinh điển Đại thừa” là cụm từ các kinh của Phật giáo Phát triển thường hay nhắc đến), và nên tích cực tu tạo nhiều công đức, phước báo để trợ duyên cho chánh nhân niệm Phật. Bởi thường tinh tấn đọc tụng kinh điển mới tăng trưởng trí tuệ, tu tạo nhiều công đức mới đủ phước báo vãng sinh. Tiểu kinh A Di Đà (Phật thuyết A Di Đà kinh) cho biết người có chút ít thiện căn (căn lành, nhân duyên lành) thì không thể sinh về cõi Cực lạc, có nghĩa là cần phải có thiện căn (căn lành, gốc thiện) lớn thì mới có thể vãng sinh. (Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc – Không thể lấy chút ít phước đức nhân duyên mà được sinh về cõi nước đó). Bởi cõi Cực lạc Tịnh độ của chư Phật là cõi có y báo, chánh báo trang nghiêm, chúng sinh phước đức vô lượng. Mà muốn có căn lành, gốc thiện lớn thì phải tu tập (niệm Phật – theo pháp môn Tịnh độ) và làm nhiều việc lành để tạo công đức phước báo. Các kinh Vô lượng thọ, Quán Vô lượng thọ đều dạy người tu pháp môn Tịnh độ phải hiếu kính cha mẹ, sư trưởng, phải thọ trì Tam quy, Ngũ giới, thường đọc tụng kinh điển Đại thừa, phát Bồ-đề tâm, làm nhiều việc lợi ích cho chúng sinh để vun bồi công đức, hành giả phải phát tâm từ bi và nguyện lực rộng lớn khế hợp với tâm từ bi và nguyện lực của chư Phật, chư Bồ-tát.

Trong kinh điển Nguyên thủy, Đức Phật cũng dạy, giữa hai người có sự tu tập như nhau, có đầy đủ giới định tuệ, nhưng sau khi thân hoại mạng chung thì người đã từng tu bố thí sẽ được sinh về cảnh giới có y báo, chánh báo ưu việt hơn, tốt đẹp hơn (Tăng chi bộ kinh II, chương V, phẩm Sumanà). Kinh nghiệm tu tập cũng cho thấy, người có tu tạo nhiều công đức phước báo khi hành đạo thường gặp nhiều thuận duyên, khi tu đạo mau thành tựu, tiến bộ hơn người ít tu tạo công đức phước báo.

Còn về phần định lực và tuệ giác (trí tuệ), chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự chênh lệch, bất đồng về căn cơ, trình độ giữa các hành giả, có sự mau chậm trong thành tựu quả vị, dù là cùng thầy, cùng pháp môn, cùng nỗ lực như nhau và cùng thời gian tu tập. Đó là vì sự học tập và tu trì trong quá khứ, có thể trong đời này hoặc trong những đời trước. Người nào có quá khứ đã từng trau dồi văn, tư, tu, thường gần gũi các bậc thiện hữu tri thức thì người đó có căn cơ, trình độ cao hơn, dễ dàng thành tựu hơn trong tu học. Đó là nhân quả chứ không có gì lạ.

Chúng ta thử nghĩ, tại sao trong kinh điển Nguyên thủy Đức Phật tự xưng mình là bậc A-la-hán, nhưng lại là một Đại A-la-hán? Các vị Tôn giả đệ tử Phật như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-na-luật… cũng đều là A-la-hán nhưng công phu tu tập và công đức phước báo, trí tuệ vẫn không bằng Phật. Trong vô lượng kiếp Đức Phật đã tu tập và tạo vô lượng công đức, phước báo, trở thành bậc phước trí nhị nghiêm, một bậc tối thắng hay một vị Phật. Giữa các vị A-la-hán đệ tử Phật cũng vậy, tuy đều chứng Tam minh, Lục thông, nhưng tại sao Phật lại bảo Tôn giả Xá-lợi-phất là vị trí tuệ đệ nhất, Mục-kiền-liên là vị thần thông đệ nhất, Tu-bồ-đề là vị giải không đệ nhất, A-na-luật là vị thiên nhãn đệ nhất… Tất nhiên là có sự khác biệt giữa các vị ấy.

Tóm lại, người tu Tịnh độ cần chuyên tâm niệm Phật, thực hành đầy đủ Tín, Hạnh và Nguyện, nhưng muốn mau thành tựu chí nguyện vãng sinh và vãng sinh phẩm vị cao thì không thể không trau dồi giới định tuệ, siêng năng tinh tấn đọc tụng, nghiên cứu kinh điển, phát tâm Bồ-đề và làm lợi ích chúng sinh.

Tịnh độ là thế giới của chư Phật và các bậc Bồ-tát, thượng thiện nhân, là cảnh giới thắng diệu, phải là bậc có công đức, phước báo lớn, có công phu tu tập siêu việt tam giới mới có thể sinh về. Tuy nhờ có Phật lực hộ trì, tiếp dẫn, nhưng nếu không có sự nỗ lực tự thân, không có công phu tu tập, không có sở đắc, thành tựu, không có giới định tuệ, tâm nguyện không vững vàng thì làm sao có sự tương ưng, làm sao có sự cảm ứng, làm sao vãng sinh? Đó là nhân quả xuất thế. Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và cả Phật giáo Phát triển đều có nói rõ, muốn thọ hưởng đời sống như thế nào, muốn sinh về cảnh giới nào đều có pháp môn tu tập tương ứng, không thể làm khác được.

Cũng cần nói thêm là, nếu việc tu tập để sinh về Tịnh độ lạc cảnh mà ở đây là thế giới của Phật A Di Đà quá dễ dàng, chỉ việc chuyên tâm niệm Phật A Di Đà là được, thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đâu cần nhọc công dạy nhiều bài kinh, hơn 45 năm truyền bá giáo pháp.

Không có một pháp môn nào mà chỉ mình nó có thể giúp cho tất cả mọi đối tượng chúng sinh thành tựu giác ngộ, giải thoát, bởi vì chúng sinh “đa bệnh’ và chúng sinh này lại có những loại “bệnh” khác chúng sinh kia. Căn cơ, trình độ giữa các chúng sinh cũng khác. Và không phải chúng sinh nào cũng có nhân duyên với pháp môn Niệm Phật, mà không có nhân duyên với pháp môn đó thì khó có thể tu tập, thực hành theo, khó có được thành tựu. Nếu không tụng đọc, nghiên cứu kinh điển, không gần gũi cầu học nơi các bậc minh sư, các bậc thiện hữu tri thức thì làm sao phát triển sở học, sở tu, làm sao có cơ hội tìm đúng pháp môn tu cho mình?

Còn một điều quan trọng nữa là, nếu kinh điển không có người hoặc ít người nghiên cứu, Phật pháp không được truyền bá, không có hoặc ít người tu học, giảng giải, Tam tạng Thánh giáo không được lưu truyền thì Phật pháp sớm bị diệt vong. Khi chủ trương tu Tịnh độ không nên tụng đọc kinh điển, nghiên cứu Phật pháp, chỉ cần trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, chủ trương và quảng bá tư tưởng đó, vô tình trở thành người góp phần làm cho Phật pháp sớm diệt vong.

Tác hại khác của chủ trương chỉ niệm Phật cầu vãng sinh, không làm gì khác kể cả học tập Phật pháp và hành thiện tu phước là biến hành giả thành người vô ích đối với xã hội, không phát huy được giá trị lợi ích của Phật pháp đối với chúng sinh ở nhiều phương diện, làm sao kiến tạo được Tịnh độ nhân gian?

Tôi nhận thấy: Cố Hòa thượng Thích Trí Tịnh, một bậc thượng nhân trong Tịnh tông ở nước ta, cả đời chuyên tu niệm Phật và hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Ngài không chỉ niệm Phật, khuyên tu niệm Phật mà còn dịch kinh, viết sách, mỗi ngày đều tụng đọc, nghiên cứu kinh điển. Chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM) là đạo tràng tu Tịnh độ lớn nhất Việt Nam. Ở đây không chỉ tu niệm Phật mà còn làm công tác từ thiện, giáo dục, hoằng pháp dưới nhiều hình thức như tổ chức các khóa tu cho nhiều độ tuổi, dịch thuật, biên soạn, ấn tống kinh sách, giảng dạy Phật pháp, bố thí băng đĩa, sách báo, tổ chức chương trình văn nghệ Phật giáo. Các vị xuất gia đều có trình độ giáo lý, có rất nhiều vị giỏi cả ngoại điển lẫn nội điển, có khả năng làm được nhiều việc lợi ích cho đời, tuy nhiên vẫn luôn quan tâm việc tu học, chuyên tu theo đường lối Tịnh độ. Các tu sinh, hành giả đến đây tu tập đều được nghe giảng dạy Phật pháp, được thọ giáo với nhiều vị đạo sư giúp mình mở mang sở học, tiếp thu được những điểm đặc sắc của từng vị thầy, đồng thời có cơ hội chọn cho mình một phương pháp tu học phù hợp với bản thân. Theo tôi, đây là những tấm gương điển hình cho chúng ta về đường hướng tu tập pháp môn Tịnh độ.

Xem thêm bài giảng Tạp tu một nhận định vội vàng do thầy Thích Phước Tiến giảng

Diệu Thể (theo giacngo.vn)

4.1/5 - (12 bình chọn)

1 bình luận trong “Tạp tu và chuyên tu”

  1. kinh điển là vô lượng nghĩa. Sự khó khăn của việc tu học Phật pháp cũng ở chỗ này, vô lượng nghĩa chúng ta nên lấy cái nghĩa nào đây? Đây là đối với người sơ học mà nói Phật pháp xem trọng khế cơ, khế lí:
    Lí là vô ý, vô tri ; Cơ: căn cơ của chúng sanh vô lượng vô biên, cho nên cái giáo nghĩa này là vô lượng vô biên,
    Bản thân chúng ta là căn cơ gì vậy?
    Bản thân chúng ta ở trong cái Kinh này nên lấy loại giáo nghĩa nào? Mới có thể được lợi ích chân thật. mấu chốt thành bại của việc tu học là ở chỗ này???.
    Tự mình nhất định phải biết căn tánh của mình, cái gọi là tự biết mình là sáng đây là điểm rất quan trọng, con người quý ở chỗ là tự biết mình ( ta là căn tánh như thế nào? Trình độ ra làm sao? Hiện nay cách thức sống của ta, hoàn cảnh sống của ta? ) Đều cần phải suy nghĩ ở trong đó. Lựa chọn Kinh điển, lựa chọn pháp môn, lựa chọn chú giải nhất định phải tương ưng với trình độ thói quen đời sống căn tánh của mình như vậy khi học sẽ rất tự tại, sẽ rất vui vẻ mới có thể được thọ dụng. Chúng ta từ trong đủ dạng chú giải khác nhau của đại đức xưa nếu như quan sát thật kĩ là có thể nhìn thấy đủ dạng căn tánh khác nhau của chúng sanh nếu không thì đâu có nhiều chú giải như vậy? đâu có nhiều cách giảng như vậy chứ?! Rõ ràng đã thấy được thời đại lớn trong đó sự biến đổi rõ rệt,
    Thí dụ: Đông tấn cái thời đại đó cùng với những người thời đại Tùy Đường này cách nghĩ cách nhìn của họ chúng ta ngày nay gọi là hình thái ý thức khác nhau, cách thức sống cũng khác nhau, chúng ta xem thấy chú giải cái thời Đông Tấn Nam-Bắc triều đó với chú giải của Tùy-Đường ý nghĩa là không như nhau, các Đại đức xưa giảng Kinh là giảng cho người đương thời nghe, là dạy cho người đương thời nên tu học như thế nào? Làm thế nào đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp. Đây mới gọi là lợi ích chúng sanh, tự hành hóa tha, vì thế mỗi một thời đại họ có cách giảng của thời đại đó, mỗi một thời đại họ có cách lí giải của thời đại đó, nên thọ dụng của tu học là đủ mọi dạng khác nhau, lời Phật nói có thể nói từng câu từng chữ là nguyên lí nguyên tắc, cái nguyên lí nguyên tắc này quả thật là vượt qua thời không, vượt qua thời gian, ba ngàn năm trước, người đọc bản Kinh này nghe Kinh Kim Cang được lợi ích, có thể khai ngộ, có thể chứng quả, ba ngàn năm sau ngày nay chúng ta đọc bản Kinh này cũng được lợi ích, cũng có thể khai ngộ, cũng có thể chứng quả, đây là không giả, các vị nghe liên tục từ trước đến nay tôi nói cái lời này, các bạn sẽ đồng ý, sẽ có tín tâm. Chúng ta ngày nay tại vì sao không khai ngộ? tại vì sao không chứng quả vậy? Lỗi lầm là ở bên phía này của chúng ta, ở trong cái Kinh điển này không có lỗi lầm ( Chúng ta chưa có lí giải thấu triệt, chưa có y giáo phụng hành ) Nếu như chân thật lí giải thấu triệt, y giáo phụng hành thì đâu có lí nào không khai ngộ chứ? Quả báo mà kinh kinh cang nói chính là kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp thân đại sĩ không phải quả vị thông thường, lìa tứ tướng lìa tứ kiến chính là pháp thân bồ tát, ở trong tông môn nói Minh tâm Kiến tánh, chính là cái cấp bậc này đây gọi là viên âm là âm thanh viên mãn “ Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên “ Cái này ở trong cửa Phật có thể nói rất nhiều đồng tu đều nghe nói qua, đều nghe thấy cái cách nói này, bồ tát căn tánh viên giáo, Đại đức căn tánh viên giáo, chúng ta gọi họ là Viên Nhân, người căn tánh Viên giáo họ viên ở chỗ nào vậy? Tại vì sao chúng ta không viên? Cái vấn đề này nếu như lúc bình thường nêu ra thật sự là rất khó thảy hội, ở Kinh Kim Cang cái đọan kinh văn này nêu ra thì không khó lí giải rồi. Cái ý nghĩa này phía trước nói qua quá nhiều! Người này đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không có phân biệt, không có chấp chước, không có vọng tưởng, họ là viên, kiến giải tri kiến của họ là viên, không những kiến giải tri kiến viên rồi mà thói quen đời sống của họ cũng viên, không có gì mà không viên mãn đây gọi là Viên Nhân. Tại vì sao chúng ta không viên vậy? Chúng ta có phân biệt, có chấp chước, có vọng tưởng cho nên là không viên, lìa khỏi tất cả vọng tưởng phân biệt chấp chước liền viên ngay, chỉ có người viên đối với nghĩa Kinh đại thừa thậm thâm này họ mới có thể thông đạt sáng tỏ, bởi vì Phật là viên âm thuyết pháp họ có thể thông đạt sáng tỏ, nếu như vẫn còn xen tạp vọng tưởng phân biệt chấp chước thì nghĩa chân thật ở trong loại kinh luận viên giáo này họ sẽ không có cách gì mà thảy hội được. Phật pháp không chỉ nói là hoằng dương, giảng kinh thuyết pháp, ngay cả đến tu hành cũng đều là mấu chốt, vì thế Phật Bồ tát chỉ dạy chúng ta sự tu học Phật pháp phải bắt đầu từ đâu vậy? Phải bắt đầu từ đoạn phiền não, Tứ hoằng thệ nguyện đã chỉ ra cho chúng ta con đường rõ ràng, trước tiên khuyên bạn phát tâm, Kinh Kim Cang cũng không thể lìa khỏi cái nguyên tắc này, nếu như các vị quan sát thật kĩ toàn bộ tất cả kinh giáo Đại thừa đều nằm ở trong cái cấu trúc này của nó, nhất định không có đi ngược Kinh Kim Cang vừa mở đầu liền nói: “ Người thiện Nam người thiện Nữ phát tâm A Nậu đa na tam miệu tam bồ đề “ điều đầu tiên là dạy bạn phát tâm, đây là tâm gì vậy? Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Tâm là phát rồi, đã phát tâm Bồ đề rồi muốn phổ độ tất cả chúng sanh bắt đầu làm từ đâu vậy? Bắt đầu làm từ phá bốn Tướng. Phá bốn Tướng là gì vậy? Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn; Tại vì sao phải đoạn phiền não? Phải phá bốn Tướng vậy ? Thành tựu căn tánh viên đốn của bạn, bốn Tướng vừa phá thì tri kiến của bạn liền viên ngay. Giáo nghĩa nhất thừa thâm sâu mà Phật nói bạn mới có thể thảy hội, mới có thể lãnh hội, phát tâm dường như là dễ dàng, nhưng đoạn phiền não thì lại khó rồi, vọng tưởng phân biệt chấp chước biết là cần phải buông xả, mà vẫn cứ không thể buông xả, nhưng mà phải biết không thể buông xả vừa rồi mới nói không những ở trên pháp hành có chướng ngại, mà trên pháp giải cũng có chướng ngại, ý nghĩa của Kinh giáo bạn không thấy ra được, người xưa giảng giải thấu triệt đi nữa, minh tận đi nữa bạn cũng nghe không hiểu, bạn cũng vẫn không được thọ dụng, nguyên nhân do đâu vậy? Phiền não chưa đoạn, bạn chưa có thật sự buông xả được, mấu chốt là ở chỗ này , bốn tướng, bốn kiến phá rồi sau đó học pháp môn, bạn xem pháp môn vô lượng thệ nguyện học là xếp ở giai đoạn thứ ba, lỗi lầm mà chúng ta hiện nay phạm là: ( Phiền não chưa đoạn đã học pháp môn )
    Kết quả là gì vậy? kết quả là câu dưới đây : ( tà nhân ngộ chánh pháp, chánh pháp diệc thành tà ).
    Sao gọi là tà nhân vậy ? ( người chưa có đoạn phiền não chính là người tà ) cái này bản thân chúng ta phải thừa nhận, chúng ta hiện nay vọng tưởng phân biệt chấp chước rất nhiều, chúng ta là người gì vậy ? Chúng ta là người tà. Trong kệ khai kinh nói : “ Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa “ ai có thể hiểu nghĩa chân thật của Như Lai vậy ? Viên Nhân!.
    Người tà là không thể hiểu nghĩa chân thật của Như Lai
    điều này rất quan trọng, rất quan trọng!!!.
    ” Kinh Kim Cang giảng nghĩa trích đoạn tập 220 Lão HT Tịnh Không Chủ Giảng”. nếu bạn có duyên thì hãy hãy chịu khó nghe kinh và hiểu nghĩa của Như Lai thuyết Y Giáo phụng hành .( người đã đạt được thọ dụng “chân thật chi lợi” của Đức Như Lai qua những bài giảng Lão HT Tịnh Không) Xin chân thành kính tặng những đồng học hữu duyên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

 

Developed by thuthuatmaytinh.net
DMCA.com Protection Status