Chuyển tới nội dung

Thế nào là người ngu?

Video pháp thoại Thế nào là người ngu được thầy Thích Thiện Tuệ thuyết giảng tại chùa Giác Huệ, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16/04/2017 (20/03/Đinh Dậu)

Khái niệm về người ngu được định nghĩa qua kinh tạng Nguyên thủy như sau: “Này các Tỳ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỳ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các ác hạnh. Này các Tỳ-kheo, nếu người ngu không tư duy ác tư duy, không nói lời ác ngữ, không hành ác hạnh, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: Người này là người ngu, không phải là chân nhân? Và vì rằng, này các Tỳ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, do vậy, người trí biết người ấy: Người này là người ngu, không phải là chân nhân” (kinh Hiền Ngu). Lời kinh chỉ ra ba đặc điểm của loại người ngu: tâm ý tư duy điều ác, miệng nói lời ác, thân làm các điều ác.

Tư duy là suy nghĩ, nhận thức của một người về biểu tượng, khái niệm, phán đoán. Người tư duy ác tư duy là người chuyên nghĩ đến điều ác, gây đau khổ, tai họa cho người khác như: nghĩ đến việc hãm hại người, nghĩ đến việc trả thù người, nghĩ đến việc cạnh tranh hơn thua, nghĩ đến việc những khát khao ái dục… Người nói lời ác ngữ là nói những lời lẽ gây đau khổ, tai họa cho người khác như: mắng chửi, nói lời hận thù, nói lời dua nịnh, nói lời gây rối, nói lời tục tĩu, nói lời khiêu khích,… Người hành ác hạnh là người làm những việc gây đau khổ, tai họa cho người khác như: dùng vũ lực đánh người, hãm hại người yếu hơn mình, dùng sức mạnh để cưỡng đoạt, trộm cướp của người,… Tóm lại, người ngu ba nghiệp cả thân miệng ý đều ác.

Ngược lại với người ngu là người có trí. “Trời và đất, này các Tỳ-kheo, là sự việc thứ nhứt rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này, này các Tỳ-kheo với bờ biển bên kia, là sự việc thứ hai rất xa, rất xa với nhau. Pháp của hạng người bất thiện, này các Tỳ-kheo, với pháp của hạng người thiện, là sự việc thứ tư rất xa, rất xa với nhau” (kinh Tăng Chi Bộ). Người trí là người có khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán… đúng đắn, chính xác về các phương diện trong đời sống xã hội. Những tính chất của người trí biểu hiện ở các phương diện như trí nhớ, trí khôn, trí lực, trí năng, trí óc, trí thức, trí tuệ. Theo Phật giáo, người trí là người biết phát huy tuệ giác biết rõ thiện và ác cùng nguyên nhân của nó; biết rõ Nhân quả, biết rõ Bốn sự thật khổ tập diệt đạo; biết rõ Duyên khởi (kinh Chánh Tri Kiến). Tóm lại, người trí ba nghiệp của thân miệng ý đều hiền thiện.

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

 

Designed by trungtamketoanhn.com
DMCA.com Protection Status