Chuyển tới nội dung

Kim chỉ nam trên con đường tu tịnh độ

phap mon tu1. NIỆM NIỆM tương tục (không gián đoạn) là như thế này:

Thí dụ như có người ở nơi đồng vắng bị giặc cướp cầm gươm rượt theo muốn giết (dụ cho sanh tử, vô thường, không tha mạng sống).

Người đó sợ hải quá, cắm đầu chạy riết, đến chỗ gặp một con sông chắn ngang qua (con sông sanh tử. Bờ bên này là sanh tử ngạn, bờ bên kia là giải thoát ngạn).

Người ấy vừa chạy trốn vừa thoáng nghĩ trong đầu rằng:

Nếu ta lội qua khỏi được con sông này, đến BỜ BÊN KIA thì mới mong bảo toàn thân mạng. Nhưng để y phục mà lội hay là cởi bỏ ?

Nếu để y phục mà lội sợ e vướng mắc, lúng túng tay chân khó bơi. Còn cởi bỏ thì không kịp nữa rồi, vì giặc cướp đã rượt tới sau lưng (đây là dụ cho cái chết đã gần kề không còn xa nữa).

Bấy giờ người ấy chỉ còn có một NIỆM DUY NHẤT là làm sao cho qua sông được thì thôi chớ không còn có ý nghĩa chi khác…

Thì người NIỆM PHẬT chúng ta đây cũng y như vậy, nghĩa là:

Chỉ chuyên tâm tha thiết niệm,

Ðừng nghĩ ngợi điều chi khác cả (tức là dứt hết mọi tạp tưởng).

Câu NIỆM PHẬT này vừa DỨT thì câu NIỆM PHẬT khác TIẾP NỐI theo liền (đừng có để phí thời giờ).

NIỆM NIỆM nối nhau liên tục như vậy cho đến MƯỜI NIỆM.

Ðây gọi là “THẬP NIỆM tương tục” (Tức là 10 niệm nối nhau không dứt).

(ÐÀM LOAN PHÁP SƯ dạy).

2. Ðức PHẬT (Thích Ca và A DI ÐÀ) xót thương, khuyên TA nên chuyên xưng danh hiệu A DI ÐÀ Phật.

Bởi vì phép niệm “Xưng danh hiệu A DI ÐÀ PHẬT” này rất dễ, nếu có thể giữ mãi mỗi niệm nối nhau như thế, lấy suốt cả đời mình để làm hạn định, thì:
Mười người tu, mười người vãng sanh.

Trăm (ngàn) người tu, trăm (ngàn) người vãng sanh.
Tại sao vậy?
Bởi vì:

Không có duyên tạp (Không có suy nghĩ điều chi khác hết) nên được CHÁNH NIỆM.

Hạp với bản nguyện của Phật A DI ÐÀ (Ðại nguyện thứ 18, 19, 20).

Vì không trái với lời kinh (kinh vô lượng Thọ, kinh Thập lục Quán, kinh Phật thuyết A DI ÐÀ v.v…).

Vì thuận theo lời PHẬT dạy, cho nên dễ vãng sanh.

(Liên Tông nhị Tổ – Thiên Ðạo Ðại Sư dạy).

3. Chí tâm niệm PHẬT nghĩa là: Ý nghiệp làm lành.

Xưng danh hiệu PHẬT nghĩa là: KHẨU nghiệp làm lành.

Chấp tay, cúi mình lạy PHẬT nghĩa là: THÂN nghiệp làm lành.

Nếu giữ ba nghiệp THÂN, KHẨU, Ý làm lành như vậy trọn đời, thì một câu niệm PHẬT có thể diệt được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh tử.

(HOÀI CẢM ÐẠI SƯ dạy).

4. Lúc lễ bái, niệm PHẬT và phát nguyện phải:

– Khẩn thiết, chí thành.

– Không xen lẫn tạp tưởng.

– Như người sắp sửa bị giết mà cầu được tha.

– Như người bị giặc cướp rượt đuổi .. mà muốn được thoát.

– Như bị nước trôi, lửa cháy, một lòng mong được cứu nạn.

Niệm Phật phải khẩn cấp và chí thành như thế thì mới thành tựu được công phu.
Tóm lại nếu:

Nói một đường, làm một nẻo (Tức là miệng thì nói niệm PHẬT mà lòng không chịu niệm).

– Lời nói và hành động chẳng giống nhau.

– Lòng TIN (nơi Tịnh Ðộ pháp môn) không vững chắc.

– Nay thì niệm, mai mốt lại bỏ bê, biếng trễ vv…

– Niệm như thế ắt khó được vãng sanh.

(Liên Tông Lục Tỗ Vĩnh Minh đại sư dạy).

5. Người tu pháp NIỆM PHẬT, dù cho đang khi làm công việc nặng nhọc chi, song TRONG TÂM LÚC NÀO CŨNG KHÔNG QUÊN CÂU NIỆM PHẬT… Giả sử như lỡ có quên thì phải cảnh tỉnh ngay lập tức và nhiếp tâm niệm trở lại… Tập như thế lâu ngày thành quen…Ðến khi gần lâm chung thì dù cho thân có bị bịnh khổ dày vò, đau đớn, nhưng tâm vẫn KHÔNG QUÊN câu niệm PHẬT…

Khi vừa tắt thở thì thần thức liền nương theo câu niệm PHẬT ấy mà đi, quyết định sẽ được vãng sanh về nơi CỰC LẠC…

(Tuân Thức đại sư dạy).

6. a. Người tu Tịnh độ muốn được vãng sanh thì việc CHÁNH YẾU là phải CHUYÊN TÂM NIỆM PHẬT… còn phần phụ thì phải dứt trừ điều ác, làm những hạnh lành …

Ðem các công đức ấy mà hồi hướng và nguyện sanh về chốn Tây Phương, ắt sẽ được mau thành tựu, như thuyền đi xuôi gió, lại còn thêm được thuận dòng (nước) vậy.

b. Sớm tối chuyên tâm lễ PHẬT như người (làm quan) đi chầu vua không dám sơ sót. Còn như người niệm PHẬT thì phải:

– Miệng niệm PHẬT, tâm phải tưởng PHẬT.

– Tâm và miệng đều hợp nhau,

– Phát lòng chí thành, trân trọng.

– Tin chắc (nơi lời Phật dạy về pháp môn Tịnh độ) đừng có nghi ngờ.

– Mỗi ngày đều phải siêng năng chớ đừng nên biếng trễ.

Thì chắc chắn là sẽ thành tựu được môn NIỆM PHẬT Tam muội. Chừng đó lo gì không được vãng sanh.

(Từ Chiếu đại sư dạy).

7. a. Người niệm PHẬT phải nên:

Giữ một câu Nam mô A DI ÐÀ PHẬT như dựa vào núi Tu di, lay chuyển chẳng động (Tức là dù cho có ai bài bác, phá hoại thế mấy đi nữa quyết cũng chẳng nghe). Thường nhớ, thường niệm. Sáng cũng niệm, tối cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm…

Tâm niệm PHẬT chẳng bỏ qua, câu niệm PHẬT chẳng rời lòng.

Mỗi giờ, mỗi khác, cũng nhớ niệm, niệm hoài không bỏ lỡ, giống như gà ấp trứng phải thường cho hơi ấm tiếp tục thì trứng mới nở con. Còn niệm Phật hoài mà không bỏ qua thời giờ gọi là “Tịnh niệm tương tục” ắt bông sen của mình sẽ mau nở vậy.

b. Chuyên lòng xưng danh hiệu PHẬT, nhứt tâm, nhứt ý nắm giữ một câu A DI ÐÀ PHẬT.
Bởi vì:

– Chỉ một NIỆM này tức là PHẬT A DI ÐÀ.

– Chỉ một NIỆM này là viên mãnh tướng (tướng mạnh) phá địa ngục.

– Chỉ một NIỆM này là thanh gươm báu chém bầy ma, tà.

– Chỉ một NIỆM này là ngọn đuốc sáng phá cảnh tối tăm (Vô minh).

– Chỉ một NIỆM này là con thuyền to vượt qua biển khổ.

– Chỉ một NIỆM này là thuốc hay trị dứt bệnh sanh tử.

– Chỉ một NIỆM này là đường tắt mau ra khỏi tam giới.

– Chỉ một NIỆM này là tự tánh DI ÐÀ.

– Chỉ một NIỆM này là duy tâm Tịnh độ.

Giữ chắc một câu NIỆM: Nam mô A DI ÐÀ PHẬT này đừng cho quên mất…

– Có việc cũng niệm như vậy.

– Không việc cũng niệm như vậy.

– Có bệnh cũng niệm như vậy.

– Không bệnh cũng niệm như vậy.

– An vui cũng niệm như vậy.

– Buồn khổ cũng niệm như vậy.

– Sống cũng niệm như vậy.

– Chết cũng niệm như vậy.

cứ NIỆM NHƯ VẬY mãi thì cần chi phải hỏi ở nơi người khác để tìm ra đúng đường về ư ?

(Ưu Ðàm đại sư dạy).

8. Kinh “Ðại Tập Nguyệt Tạng” dạy:

Niệm Phật lớn tiếng có 10 công đức là:

1. Ðánh tan cái tâm hôn trầm, mê ngủ.
2. Thiên ma kinh sợ.
3. Tiếng vang xa khắp 10 phương.
4. Ba đường ác được nhờ vào đó mà dứt khổ.
5. Tiếng động chung quanh không xâm nhập vào làm loạn thâm mình được.
6. Niệm tâm không tán loạn.
7. Mạnh mẽ tinh tấn.
8. Chư PHẬT vui mừng.
9. Tam muội hiện tiền.
10. Ðược vãng sanh Cực lạc.

9. Nên biết pháp môn TỊNH ÐỘ này chẳng cần lựa chọn kẻ trí, ngu, sang, hèn, nghèo, giàu.

Cũng chẳng cần phân biệt kẻ nam, nữ, già, trẻ, tăng, tục.

Chẳng luận kẻ mới tu hay tu lâu.

Tất cả đều có thể niệm PHẬT được.

Hoặc niệm lớn, hoặc niệm nhỏ, niệm ra tiếng, niệm thầm, vừa lạy vừa niệm, nghiên cứu mà niệm, nhiếp tâm mà niệm, quán tưởng mà niệm, lần chuỗi mà niệm, vv…

Giữ câu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT liên tục không dứt như dòng nước chảy mà niệm, cho đến đi cũng niệm, đứng cũng niệm, ngồi cũng niệm, nằm cũng niệm, ngàn muôn niệm (đời lộn xộn) đều gom về nơi một câu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT như thế…

Niệm theo cách nào cũng được, điều cốt yếu là giữ cho lâu bền đừng lui sụt (đây tức là HẠNH đó), phát lòng TIN quyết định đừng cho bị lay chuyển (đây tức là TÍN đó).

Nếu quả thật hành trì câu niệm PHẬT được đúng như thế, thì cần chi tìm bậc tri thức để hỏi đường (nào về Cực lạc) ư!

(Tông Bổn đại sư dạy).

10. a. Niệm Phật có:

+ Niệm thầm (tiếng nhỏ).

+ Niệm ra tiếng (lớn).

+ Niệm không ra tiếng (mặc niệm).

+ Niệm Kim cang trì (se sẽ động môi, lưỡi mà niệm).

Niệm thầm thì dễ bị hôn trầm.

Niệm lớn tiếng thì bị mau mệt. (hao hơi)

Duy chỉ có cách niệm “KIM CANG TRÌ” là có thể bền lâu.

Tuy nhiên cũng không nhứt định, nếu như thấy cần thiết thì có thể thay qua, đổi lại cũng không sao.

b. Tâm hôn trầm, tán loạn đã có lâu kiếp nhiều đời rồi, ắt nhiên không thể nào trong một lúc mà an định được. Cho nên người niệm PHẬT nếu thấy tâm không được thanh tịnh cũng đừng có lo ngại chi. Chỉ cần khi niệm PHẬT, mỗi chữ, mỗi câu, đều do từ nơi TÂM mà phát ra, dụng công phu như vậy lâu ngày, sẽ có hiệu quả.

c. Tạp niệm là bịnh, niệm PHẬT là thuốc.

Niệm PHẬT chính là hành môn để trị tạp niệm đó.

Nếu niệm PHẬT mà không thấy hiệu quả, đó là tại mình dụng công chưa được chơn thành và tha thiết.

Cho nên mỗi khi tạp niệm nổi lên, phải chuyên tâm, cố gắng trì niệm, mỗi chữ, mỗi câu phải rành rẽ, rõ ràng. Thì tạp niệm tự nhiên được dứt trừ.

d. Người học PHẬT, niệm PHẬT đừng quá nên chạy theo hình thức bên ngoài, chỉ quý là ở nơi CHÂN THẬT TU HÀNH.

Hàng cư sĩ Phật tử tại gia không cần phải cạo tóc, mặc áo đà làm chi. Tự có thể để tóc, mặc áo trang (lam) mà niệm Phật cũng được.

Người thích thanh vắng, không cần phải đánh chông mõ. Tự có thể yên lặng mà niệm PHẬT cũng được.

Người sợ công việc phiền phức, không cần phải kết bè, lập hội làm chi. Tự mình có thể đóng cửa mà niệm PHẬT.

Người biết chữ, nếu có thật tâm quyết tu, không nhứt định và bắt buộc phải vào chùa nghe kinh. Tự có thể xem kinh, y theo lời dạy trong ấy mà niệm PHẬT.

Trải qua ngàn dặm xa xôi hành hương không bằng hiếu thuận với cha mẹ mà niệm PHẬT.

Giao du với bạn bè kém đạo đức, không bằng kẻ dốt nát mà chuyên tâm niệm PHẬT.

Hạnh thấp mà vọng nói đạo lý cao siêu, không bằng kẻ thiệt thà, chất phát mà niệm PHẬT.

Tánh ưa thích sự háo kỳ, ham cầu sự lịnh thiêng của thần thánh, ma quỷ, không bằng chánh tâm tin nơi lý nhơn quả mà niệm PHẬT.
Tóm lại:

a. Người niệm PHẬT:
+ Giữ lòng ngay.

+ Dứt hạnh ác.

Ðây gọi là THIỆN NHƠN.

b. Người niệm PHẬT.

+ Nhiếp tâm trừ tán loạn.
Ðây gọi là HIỀN NHƠN.

c. Người niệm PHẬT.
+ Tỏ rõ tâm tánh.

+ Dứt được hoặc nghiệp.

Ðây gọi là THÁNH NHƠN.

(Liên Tông Bát tổ LIÊN TRÌ đại sư dạy).

11. a. Pháp môn niệm PHẬT không có chi là kỳ lạ cả.

Chỉ cần: TIN SÂU, NGUYỆN THIẾT và CỐ GẮNG THẬT HÀNH mà thôi.

Ðiều cần yếu là phải:
+ TIN cho thấu đáo.

+ GIỮ cho bền lâu.

+ MỘT LÒNG chuyên niệm.

Mỗi một ngày đêm niệm hoặc là 30 ngàn câu, 50 ngàn câu, 100 ngàn câu niệm PHẬT, nhứt định không để cho thiếu.

Nếu giữ được như thế trọn đời mà không được vãng sanh thì chư Phật ba đời thành ra vọng ngữ.

(Nhứt định là không có lẽ đó).

b. Người chơn thật niệm PHẬT:

– Buông bỏ cả thân, tâm, ấy là ÐẠI BỐ THÍ.

– Không khởi tâm Tham, Sân, Si, ấy là ÐẠI TRÌ GIỚI.

– Không cải cọ, phải quấy, hơn thua, ấy là ÐẠI NHẪN NHỤC.’

– Không gián đoạn, xen tạp, ấy là ÐẠI TINH TẤN.

– Không để cho vọng tưởng buông lung, ấy là ÐẠI THIỀN ÐỊNH.

– Không bị các đường lối tu khác làm cho mê hoặc, ấy là ÐẠI TRÍ HUỆ.

Trái lại, nếu chẳng như thế thì không được gọi là CHƠN THẬT NIỆM PHẬT.

c. Niệm PHẬT có SỰ TRÌ và LÝ TRÌ:

1. SỰ TRÌ là TIN có Phật A DI ÐÀ ở phương Tây, có thế giới Cực lạc, có 9 phẩm sen vàng… quyết chí niệm PHẬT, cầu được sanh về nên niệm PHẬT hoài, thiết tha như con nhớ mẹ không lúc nào quên.

2. LÝ TRÌ là tin Phật A DI ÐÀ, cõi Tây Phương, 9 phẩm sen vàng… trong tâm mình đều có đủ hết, do tâm mình tạo ra hết cả.

Rồi đem câu Nam mô A DI ÐÀ PHẬT ấy, tạo thành ra cái CẢNH để buộc chặc Tâm mình vào đó, khiến cho không lúc nào quên.

(Liên Tông Cửu Tổ NGẪU ÍCH đại sư dạy).

12. a. Một chữ NGUYỆN bao gồm cả TÍN và HẠNH.

TÍN là tin nơi TỰ, THA, NHÂN, QUẢ, SỰ và LÝ.

Tin TỰ là tin tất cả đều do tâm mình tạo, nên nếu mình niệm PHẬT ắt sẽ được PHẬT tiếp dẫn.

Tin THA là tin Phật THÍCH CA không nói dối, Phật A DI ÐÀ chẳng bao giờ nguyện suông.

Tin NHÂN là tin niệm PHẬT đó chính là gieo nhân vãng sanh, giải thoát.

Tin QUẢ là tin sự vãng sanh, thành Phật là kết quả.

Tin SỰ là tin cõi Tây Phương và tất cả sự tướng nơi nước Cực Lạc mà Phật thuyết ra trong kinh thảy đều có thật (cũng như cõi Ta bà này có thật vậy).

Tin LÝ là tin “lý tánh duy tâm”, tức là TÂM của mình bao trùm hết tất cả các thế giới khắp 10 phương.

b. HẠNH là thực hành, là chuyên trì danh hiệu (A DI ÐÀ PHẬT) không xen tạp và không tán loạn (suốt cả đời mình).

c. NGUYỆN là mỗi tâm của mình (khởi ra) đều có lòng ưa thích (cõi Cực Lạc), mỗi niệm của mình (khởi ra) đều có ý mong cầu (được sanh về).

Trong 3 điều TÍN, HẠNH, NGUYỆN này, người tu Tịnh độ cần phải hội đủ, quyết định không thể thiếu được một điều nào cả.

NGUYỆN là điều cần yếu nhất.

Có thể có TÍN, HẠNH mà không có NGUYỆN.

Chớ chưa từng thấy có việc: có NGUYỆN mà không có TÍN, HẠNH bao giờ cả. (Cho nên nói chữ NGUYỆN bao gồm cả TÍN và HẠNH chính là như vậy).

d. Niệm PHẬT mà không phát tâm “BỒ ÐỀ” thì không tương ưng (không hợp) với bổn nguyện của Phật A DI ÐÀ, sẽ không được vãng sanh.

(Tâm Bồ Ðề là tâm: Lợi mình, lợi người, trên cầu thành Phật quả, dưới nguyện độ chúng sanh).

Còn nếu như vẫn có phát tâm Bồ Ðề mà không chịu niệm PHẬT (thì) cũng không được vãng sanh nữa.
Vì vậy nên phải:

Lấy sự phát tâm Bồ đề làm CHÁNH nhơn.

Niệm PHẬT làm TRỢ (duyên) nhơn.

Sau đó rồi mới phát nguyện cầu sanh Cực lạc.

Người Phật tử tu Tịnh độ cần phải biết rõ các điều này.

(Liên Tông thập nhứt Tổ – TĨNH AM đại sư dạy).
13. Ðại sư dạy:

a. Thiệt vì sanh tử,
Phát lòng Bồ đề.
Lấy TÍN, NGUYỆN sâu,
Trì danh niệm PHẬT.

16 chữ này là tông yếu (Quan trọng bực nhất) của pháp môn Tịnh độ…

(Bởi tất cả sự khổ trong đời này không gì hơn việc sống, chết. Cho nên nếu tu hành, niệm Phật, mà không cầu để thoát vòng sanh tử là một điều sai lầm rất lớn).

Nhưng đã phát ÐẠI TÂM (Bồ đề tâm) rồi thì phải tu ÐẠI HẠNH. Mà trong các hành môn tu, thì phương pháp dễ dụng công, mau thành tựu, rất yên ổn, rất viên đốn (đầy đủ) thì không có môn tu nào bằng.
DÙNG TÍN, NGUYỆN SÂU,

TRÌ DANH NIỆM PHẬT.

Nói TRÌ DANH đây là chấp giữ một câu A DI ÐÀ PHẬT trong lòng KHÔNG PHÚT NÀO QUÊN. Nếu quên hoặc là có một niệm nào khác xen vào thì không được gọ là CHẤP GIỮ (chấp trì).

Như thế mà hành trì cho đến trọn đời, ắt sẽ được vào cảnh “Nhứt tâm bất loạn” mà thành tựu được sự nghiệp Tịnh độ vậy.

b. Tâm tạo nghiệp được,
Thì:

– Tâm cũng chuyển nghiệp được.
Và:

– NGHIỆP đã do TÂM tạo,
Thì:

– Cũng tùy theo TÂM mà chuyển được.
Nếu:

– TÂM mình không chuyển được NGHIỆP
Thì:

– Bị NGHIỆP trói buộc.
Còn như:

– NGHIỆP mà không chuyển được theo TÂM,
Thì:

– Có thể buộc TÂM.
NHƯNG:

– DÙNG TÂM THẾ NÀO mới chuyển được NGHIỆP?
ẤY LÀ:

– Giữ TÂM hợp với điều kiện ÐẠO ÐỨC, hợp với PHẬT.
VÀ:

– NGHIỆP làm sao buộc được TÂM?
ẤY LÀ:

– Cứ để TÂM y theo “đường xưa lối cũ”, buông lung theo cảnh lục trần.

(Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) vậy.

(Liên Tông thập nhị Tổ, TRIỆT NGỘ đại sư dạy).
TRÊN ÐÂY:

Người giải thích đã vì chư vị PHẬT TỬ và quý LIÊN HỮU mà lược thuật lại đôi lời dạy bảo về phương cách niệm PHẬT của chư Tổ sư, để làm “Kim chỉ nam” trên con đường tu Tịnh độ.

Những mong sao cho quý chư hiền học PHẬT, niệm PHẬT, nguyện cầu được sanh về cõi CỰC LẠC xem xong rồi nên phát lòng trân trọng, ít nhiều chi cũng nên y theo đó mà cố gắng thực hành…
Và như thế,

Mới mong thành tựu bước đường “Tây quy” mà lòng ta vẫn hằng luôn ước ao, mong mỏi. Lành vậy thay!

HT. Thích Thiền Tâm

4 bình luận trong “Kim chỉ nam trên con đường tu tịnh độ”

  1. Kính gửi các Thầy!
    Tôi là phật tử, thế danh Nguyễn Thị Thúy Nga đã quy y năm 2013. Tôi vô cùng hoan mang khi đọc được bài viết này của Thầy Nguyên Thành. Tôi xin trích dẫn dưới đây và nhờ các Thầy luận giải giúp về việc ăn chay, ăn mặn.
    Tôi xin chân thành cảm ơn!
    Sau đây là nội dung bài viết:
    LỢI DỤNG SỰ ĂN CHAY ĐỂ LẬP LỜ ĐÁNH LẬN CON ĐEN
    Tình cờ tôi đọc bản dịch tác phẩm của Đức Đạt lai Lạt ma 14 bởi học giả Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải, do Công ty Hương Trang, nhà sách Quang Bình (trước đây tên là Quang Minh), liên kết xuất bản với nhà xuất bản Tôn Giáo. Rất ngạc nhiên, trong quyển sách này có tựa đề là Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng có đoạn như sau: “Nếu quý vị đặc biệt chú ý đến việc tu tập theo 3 thừa ngoại mật thì điều quan trọng là phải ăn chay” ( trang 80).
    Thực sự đúng như Đức Đạt lai Lạt ma 14 viết như vậy không? Điều này đáng nghi ngờ bởi đây là bản dịch do Nguyễn Minh Tiến chuyển ngữ. Lại nữa, nguyên tác này có phải là Đức Đạt lai Lạt ma 14 viết bằng tiếng Anh hay không? Chưa thể thẩm định được chắc chắn nguồn gốc xuất xứ cho nên tôi đặt dấu hỏi về tính trung thực và tính cá nhân của bản dịch từ Nguyễn Minh Tiến!
    Mặt khác, trước đây trong bài đối luận với tác giả Đáo Bỉ Ngạn ông Nguyễn Minh Tiến đã khăng khăng khẳng định rằng nguồn gốc kinh Vu lan bồn phải được xác quyết từ bộ “Càn Long tạng”, đáng được tin cậy hay không từ Đại tạng kinh của Trung Quốc biên soạn? Hai từ “Càn Long” lại càng làm cho bạn đọc nghi ngờ bởi tính chất tự cao tự đại của vị hoàng đế này, mà các vua Thanh triều sau này đều mắc bệnh ấy như báo Tri thức trẻ viết bài “Thanh triệu sụp đổ vì một căn bệnh vô phương cứu chữa” (trên mang chanhtuduy.com mời xem bài http://chanhtuduy.com/can-long-lam-cang-sua-ca-kinh-dien-vay-ma-co-ke-neu-luan-cu-phai-trich-tu-bo-can-long-tang/. Do vậy, về vấn đề học thuật (luận cứ, và luận chứng) của ông Nguyễn Minh Tiến không đáng tin cậy khi đưa ra những đoạn văn trên mà khẳng định của Đức Đạt lai Lạt ma 14 viết bằng tiếng Anh!
    Lại nữa, những hành giả Mật tông như chúng tôi (Nguyễn Minh Tiến không phải là hành giả Mật tông, chỉ là học giả Phật giáo, theo tông Tịnh độ, đang đảm nhiệm chú giải Mật thừa(!)) đều biết rằng Đức Đạt lai Lạt ma 14 từ nhỏ đã am tường giáo điển, sau này Ngài thực hành giáo pháp theo chế độ đào tạo của một vị hoá thân, cho nên Ngài đã tinh thông 3 thừa ngoại mật (3 Tantra ngoại) mà khi đó Ngài ở Tây Tạng hoàn toàn ăn mặn. Như vậy, lẽ nào Ngài lại phát ngôn về một khía cạnh tâm linh không thuộc về “duy tuệ thị nghiệp” sao? Ông Nguyễn Minh Tiến không biết hay cố tình lờ đi khi một trong những vị Đạo sư được Đức Đạt lai Lạt ma 14 ngưỡng kính và tự nhận đó là một trong những vị thầy của mình là Đạo sư tôn quý, thành tựu giả Dilgo Khenste, chỉ ăn mặn và không ăn chay. Phát biểu về tu pháp đạo Phật, vốn lấy tâm là chủ, coi trí làm đầu, dùng tuệ làm nghiệp mà một học giả, thành tựu giả uyên thâm giáo điển, tinh thông giáo pháp như Đức Đạt lai Lạt ma 14, lẽ nào đưa ra lời lẽ bắt buộc về ăn chay trong tu tập sao? Do vậy, tôi nghi ngờ đoạn văn của Ngài không phải thực nghĩa do ông Nguyễn Minh Tiến dịch lại.
    Trở lại vấn đề thực hành giáo pháp Mật thừa, hành giả Mật tông chúng tôi có nhiều tấm gương thành tựu giả, đại thành tựu giả, vĩ đại nhất là Liên Hoa Sanh đại sĩ, vị Đạo sư vĩ đại là Sơ tổ của Mật thừa Tây Tạng, ăn mặn thì lẽ nào Ngài ấy không thực hành được 3 thừa ngoại mật? Trong nhiều kinh sách lưu bố cho hậu thế, từ quyển “Khai thị từ Đức Liên Hoa Sanh”, “Thánh nữ kinh” chưa có một trang dòng nào Ngài dạy tu pháp Mật thừa mà nhấn mạnh đến sự ăn chay. Nếu ăn chay là một sở thích, là một phương diện ẩm thực thì không có gì bàn luận, nhưng nếu đưa yếu tố ăn chay, trường chay vào tu tập nhất là Mật thừa, e rằng là một sai lầm nghiêm trọng bởi đó là lập luận khinh suất, bất kính với các bậc thánh đức. Vì sao? Trong 10 hoạt động tâm linh gọi là tu pháp Phật giáo không có ăn chay (lễ bái, sám hối, cúng dường, cầu nguyện, nghe kinh, giảng kinh, chép kinh, niệm Phật, trì chú, thiền định) (trích từ tác phẩm Khai thị từ Đức Liên Hoa Sanh phần chú giải, NXB Thiện tri thức 1996)

  2. Ngược dòng thời gian, bạn đọc hãy xem lại lịch sử Đức Phật, ai là kẻ đầu tiên đề xuất ăn chay? Đó là phản đồ Đề bà đạt đa muốn chứng tỏ mình khổ hạnh hơn Đức Phật. Đương nhiên, Đức Phật không chấp nhận! Rốt lại cuối đời Đề bà đạt đa bị đoạ địa ngục! Còn ai nữa, Lương Võ Đế – Tiêu Diễn là vị vua Trung Quốc áp đặt nhà sư đạo Phật Trung Quốc trường chay. Hậu quả của vương lệnh này thế nào? Lương Võ Đế chết đói khi bị vây thành bởi tướng quân Hầu Cảnh. Những ngày cuối đời Lương Võ Đế ăn cả trứng chim để cầm hơi. Thật là uổng công trường chay! Sau này, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng Lương Võ Đế chay trường vì bị chứng liệt dương và thể chất yếu sức, chớ không phải vì công hạnh, thiện đức gì (theo báo Tri thức trẻ).!
    Từ đây có thể kết luận rằng nghi ngờ của chúng tôi, những hành giả Mật tông về bản dịch từ Anh ngữ, sau đó là Việt ngữ là có căn cứ bởi vì chưa có đối chiếu từ bản gốc là Tạng ngữ! Giả sử như đúng như Đức Đạt lai Lạt ma 14 có viết chính xác như vậy, thì đó là lập luận cá nhân của Ngài- một hành giả dòng phái Gelug- ,chưa phải là điều hoàn toàn đúng tuyệt đối với dòng phái khác như dòng phái Niyngma của chúng tôi hay là dòng phái Sakya, Kagyu. Tuy nhiên, tại sao Nguyễn Minh Tiến chọn dịch tác phẩm này nếu như không muốn nói rằng ông ta đang “khai thác” lợi thế của mình và các thầy tu trong chùa là ăn chay trường chăng, rồi cũng nhằm ám chỉ những hành giả Mật tông chúng tôi không thực hành được 3 thừa ngoại mật? Bạn đọc qua báo chí cũng biết trong 2 năm gần đây những vụ việc đồi bại liên quan đến những vị sư ăn chay đã xuất hiện trên mặt báo. Vậy thì đâu là nền tảng phẩm hạnh nhà tu nếu dựa vào ăn chay? Người dân Ấn Độ có hơn 80% ăn chay nhưng tại sao trở thành nỗi ám ảnh của người nữ trong và ngoài nước: NẠN CƯỠNG HIẾP XẢY RA TRUNG BÌNH 30 VỤ/NGÀY?
    Còn những gì ông Nguyễn Minh Tiến dịch thuật và chú giải cần phải xét lại chứ không phải được danh là học giả nổi tiếng thì dịch sách nào cũng đúng, chú giải gì cũng đúng? Vì sao? Một bác sĩ Nha khoa mới có thể dịch ấn phẩm Nha khoa chớ không phải là bác sĩ Nhãn khoa. Cũng vậy, ông Nguyễn Minh Tiến là người tu Tịnh độ , chắc chắn sẽ còn hạn chế trong thuật ngữ, trong thực tiễn tâm linh. Qua sự mượn danh Đức Đạt lai Lạt ma 14 ông Nguyễn Minh Tiến dịch tác phẩm “Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng” gây sự hiểu lầm, ngộ nhận rằng nếu không ăn chay sẽ không thực hành tốt tu pháp đạo Phật, trong khi Đức Phật tuyên bố “Duy tuệ thị nghiệp”?Tôi, Thinley- Nguyên Thành, giáo thọ Tuệ tri thức đạo tràng Mật gia Song Nguyễn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu& Ứng dụng thực hành Yoga Tây Tạng, bày tỏ sự nghi ngờ về bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt từ sự dịch thuật và giới thiệu của ông Nguyễn Minh Tiến. Tôi khẳng định rằng đối với 3 tantra ngoại (3 thừa ngoại mật) sự ăn chay và ăn mặn không thành vấn đề. Nên biết, không ai sở hữu Pháp ngoài những người tinh tấn thực hành nó (luận Đại thừa Bảo vương Trang nghiêm kinh của luận sư Di lặc (Metreiya). Sự phát triển của Mật gia Song Nguyễn, nơi đạo tràng không ăn chay cũng không ăn mặn theo tinh thần đơn sơ với thức ăn như lời Phật dạy trong kinh “Bát đại nhân giác”, chứng tỏ rằng luận kiến trên cần phải xét lại theo tinh thần kinh KALAMA. Và do đó tôi không khỏi nhớ lại thành ngữ của ông bà lưu hành trong dân gian sao trúng với trường hợp bản dịch từ Nguyễn Minh Tiến: “lập lờ đánh lận con đen”.
    Làng Phước Thành ngày 25/02/2016
    Nay viết
    Thinley- Nguyên Thành

  3. Chào bạn Đinh Mạnh Đạt!

    Tôi không phải là hành giả Mật Tông nên không trả lời câu hỏi của bạn được. Tuy nhiên, tôi có đọc qua vài quyển sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 (sách dịch) thì ngày đều khuyên chúng ta nên ăn chay vì lòng từ bi và bản thân ngày cũng bắt đầu ăn chay trường từ nữa thập kỷ trước:

    “Tôi không phải là người ăn chay cho đến khoảng năm thập kỷ trước, nhưng khi tôi nhìn thấy con gà mái bị hành hạ trong một trại nuôi động vật, tôi quyết định trở thành người ăn chay", Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã nói như thế tại một cuộc hội họp được tổ chức bởi hiệp hội truyền thông Pritish Nandy Communications (PNC), một công ty giải trí , và Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế (HSI), chi nhánh quốc tế của Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ (HSUS), một tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật.

    Link gốc: _http://thuvienhoasen.org/a17324/duc-dat-lai-lat-ma-khuyen-khich-an-chay-nhan-ngay-tu-bi-the-gioi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

 

Powered by vietnamdiscover.net

DMCA.com Protection Status