Chuyển tới nội dung

Lợi ích của niệm Phật

Trong kinh Di Đà có nói rằng đức Phật Thích Ca đã bốn lần khuyên chúng ta nên niệm Phật A Di Đà, kinh Di Đà có thể chứng minh cho lời nói này. Đức Phật dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật, chúng ta nghe theo lời dạy của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đây là câu trả lời dễ hiểu và đơn giản nhất. Nhưng [nói như vậy] không làm thoả mãn sự thắc mắc của người hỏi; ‘Tại sao đức Phật Thích Ca lại khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật?’. Không những là đức Phật Thích Ca, mà như trong kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà có nói rằng tất cả chư Phật Như Lai đều khuyên người niệm A Di Đà Phật, như vậy nghĩa là thế nào?

Nếu bạn hiểu rõ chân tướng của vũ trụ (vũ trụ là danh từ mà xã hội đại chúng thường dùng, trong Phật pháp dùng danh từ ‘pháp giới’) và nhân sanh, thì bạn sẽ hiểu tại sao tất cả chư Phật đều khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật. Cho nên câu hỏi này là một câu hỏi rất quan trọng, không phải là một vấn đề nhỏ! Chư vị có đọc qua trong kinh điển Đại thừa, hình như là ở trong bài ‘Khóa tụng sáng tối’, trong 88 vị Phật có ‘Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật’. Như thế thì ý nghĩa này đã rõ ràng, A Di Đà Phật là bổn danh (tên chung, tên gốc) của tất cả pháp giới chư Phật! Danh hiệu của [từng vị trong] tất cả pháp giới chư Phật là biệt hiệu của họ, A Di Đà Phật là bổn danh của họ, cho nên gọi là ‘Pháp Giới Tạng Thân’. Tại sao lại nói ‘A Di Đà Phật là tên chung của tất cả chư Phật’?

Danh hiệu này là từ tiếng Phạn dịch âm mà ra, dịch nghĩa là ‘Vô Lượng’. Chữ ‘A’ dịch là ‘Vô’, chữ Di Đà dịch là ‘Lượng’, chữ Phật dịch là ‘Trí’ hay ‘Giác’. Quý vị thử nghĩ xem có đức Phật nào mà không là ‘Vô Lượng Trí’ và ‘Vô Lượng Giác’? Đây là bổn danh (tên chung) của Phật, rất tương tợ với tên của đức Phật ‘Tỳ Lô Giá Na’ nhưng không giống nhau. Tỳ Lô Giá Na cũng là bổn danh (tên chung) của tất cả chư Phật; ý nghĩa của tên này là Biến Nhất Thiết Xứ (Biến Khắp Mọi Nơi); A Di Đà là dùng vô lượng trí biến khắp mọi nơi, vô lượng giác biến khắp mọi nơi; quý vị đem hai ý nghĩa này hợp lại thì vô cùng rõ ràng. Chúng ta phải hiểu rõ hàm ý chân chánh của danh hiệu Phật; vì thế cho nên tất cả chư Phật đều khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật.

A Di Đà Phật cũng là tên chung của tự tánh chúng ta. Trong kinh điển Đại thừa đức Phật thường nói rằng tất cả hữu tình chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả vô tình chúng sanh đều có Pháp tánh (chữ ‘vô tình’ là chỉ thực vật và khoáng vật). Phật tánh và Pháp tánh là chỉ chung một tánh chứ không phải hai thứ tánh, đây đều là tên chung của ‘tánh đức’. Trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm đức Thế Tôn nói với chúng ta “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai’; tất cả chúng sanh bao gồm chúng ta. Chúng ta vốn là Phật, mỗi người vốn là Phật, vốn là A Di Đà, vốn là Tỳ Lô Giá Na. Nói cho quý vị biết bây giờ vẫn là (A Di Đà Phật)! Không phải trong kinh quý vị thường thấy đến chữ ‘Tự tánh Di Đà’ hay sao, như vậy mỗi người trong chúng ta đều có ‘Tự tánh Di Đà’! Tại sao vậy? Chúng ta mỗi người vốn có vô lượng trí, vốn có vô lượng giác. Trí giác này vốn là ‘biến khắp mọi nơi’.

Mời quý vị nghe bài giảng Lợi ích của niệm Phật do Pháp Sư Tịnh Không thuyết giảng:
https://www.youtube.com/watch?v=ZslctJ_jizc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

 

Powered by ketoantruong.com
DMCA.com Protection Status