Chuyển tới nội dung

Cách ứng xử trước khen chê

Bài pháp thoại Cách ứng xử trước khen chê được Thầy Thích Thiện Tuệ thuyết giảng tại Chùa Bảo Vân, Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15/01/2017 (18/12 Bính Thân)

Phản ứng tâm lý thông thường của chúng ta khi được khen chê thì khoái chí, vui vẻ, sung sướng, khi bị chê thì bực bội, tức tối, đau khổ. Ðó là hai thái cực của một tâm thức, mà theo đức Phật đều có hại, đều là phản ứng bất toàn. Bởi vì, từ đó sự hiểu lầm, tranh chấp, phiền não và thiếu hiểu biết sẽ khởi ra.

Khen và chê là hai tác động tương phản, luôn luôn làm chao động nội tâm chúng ta, kích thích sự hưng phấn hay ức chế, đem lại sự an lạc hay phiền não, có lợi hay bất lợi, là tuỳ thuộc cả hai đối tượng: trao và nhận.

Trong lãnh vực giáo dục, khen thưởng và chê trách đều là hai lợi khí được sử dụng song song. Trước đây nền giáo dục Ðông Phương đặt nặng vấn đề trừng phạt chỉ trích, trong khi nền giáo dục Tây Phương chú trọng sự tưởng thưởng khen ngợi. Cách vận dụng ấy là thuộc vào nền văn hoá, phong tục của mỗi phương, vì vậy hậu quả cũng có phần sai biệt.

Thiết nghĩ người khen ngợi hay chỉ trích, chỉ mang lại kết quả tốt đẹp, khi nào họ biết sử dụng hai lực tương phản này đúng lúc, áp dụng đúng tâm lý từng đối tượng, phải thành thật trong tinh thần thiết tha xây dựng cầu tiến. Ngược lại một người khen, chê thiếu trách nhiệm, thiếu khách quan và có dụng tâm không tốt, chính bản thân người ấy hoàn toàn chịu trách nhiệm về hậu quả chẳng lành.

Người được khen hay bị chê, dù ở trong trường hợp nào cũng phải dè dặt, xem xét và phán đoán một cách chính xác, không nên có những phản ứng bồng bột nông nổi, mới tránh được sự sai lầm, tai hại. Nói cách khác không quan trọng hóa khen hay chê, mà phải tìm hiểu sự thật, chân lý trong lời khen chê ấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

 

Operated by nhakhoaquocte108.com
DMCA.com Protection Status